Tính toán của Nga và Mỹ đằng sau Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên Putin – Biden
Nga và Mỹ đều không kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden sẽ đạt được đột phá mà thay vào đó đặt ra những mục tiêu ngày càng thực tế hơn.
Hạ nhiệt chứ không “cài đặt lại” quan hệ Nga – Mỹ
Mỹ và Nga đều hạ thấp mong đợi về những đột phá lớn trong cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh cả Washington và Moscow đều không muốn nhượng bộ trong những vấn đề bất đồng gay gắt.
Những thông tin chi tiết về Hội nghị Thượng đỉnh này như thời gian, địa điểm và nội dung vẫn đang được hai bên thảo luận. Dự kiến, sự kiện này sẽ được tổ chức vào tháng 6 ở một nước thứ ba sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 tới Anh và Brussels để trao đổi với các đồng minh.
Nhà Trắng thận trọng trước những nhận định cho rằng Tổng thống Biden đang nỗ lực "cài đặt lại" mối quan hệ với Tổng thống Putin và các quan chức Mỹ coi cuộc gặp trực tiếp trên là một cơ hội để tái cân bằng mối quan hệ Nga - Mỹ sau những gì họ chứng kiến dưới thời cựu Tổng thống Trump.
"Theo quan điểm của chúng tôi, đây không phải một sự "cài đặt lại". Thay vào đó, đây là một nỗ lực khiến mối quan hệ này dễ đoán hơn và có thể đưa chúng tôi làm việc với nhau trong những khía cạnh tán thành cũng như bất đồng để đưa ra quan điểm", một quan chức cấp cao Nhà Trắng nhận định với Reuters.
"Bản thân việc ‘cài đặt lại’ mối quan hệ hàm ý điều này sẽ trở thành "mối quan hệ chiến lược quan trọng nhất" của Tổng thống Biden và tôi không nghĩ đây là thông điệp chúng tôi muốn truyền tải".
Với điện Kremlin, các quan chức Nga coi Hội nghị Thượng đỉnh trên có vai trò quan trọng để lắng nghe trực tiếp từ Tổng thống Biden sau khi một nguồn tin thân cận với chính phủ Nga nói rằng chính quyền Mỹ mới đang truyền đi những thông điệp không nhất quán với nhau.
"Điều tốt nhất chúng tôi có thể hy vọng hiện nay là hiện trạng của của mối quan hệ này sẽ không trở nên tồi tệ thêm nữa", nguồn tin trên nhận định.
Tính toán của đôi bên
Mặc dù nền kinh tế Nga chỉ bằng khoảng 1/10 GDP của Mỹ và Moscow đứng sau Washington về ảnh hưởng toàn cầu, thương mại và các liên minh nhưng Mỹ vẫn coi Nga là một mối đe dọa lớn.
Tổng thống Biden cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, tấn công mạng và đe dọa chủ quyền của Ukraine, đồng thời yêu cầu Moscow chấm dứt những hành động trên, cũng như thả nhân vật đối lập Alexei Navalny.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin coi sức ép của Mỹ trong vấn đề Navalny là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Nếu Mỹ thuyết phục được châu Âu từ bỏ dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, điện Kremlin sẽ coi hành động này là một cuộc tấn công vào ngành năng lượng Nga.
Moscow cũng không hài lòng về hàng loạt lệnh trừng phạt của Washington nhắm vào các thực thể và cá nhân Nga trong khi ông Biden đe dọa gia tăng trừng phạt khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine dẫn đến Nga tăng cường lực lượng tại khu vực biên giới.
"Đây giống như một cuộc đối đầu trong tầm kiểm soát. Mục tiêu chỉ là giữ ổn định. Sẽ không có bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào trong quan hệ hai bên mà chỉ là một nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tôi nghĩ điều này có thể thực hiện nếu họ thận trọng và thực tế", Fiona Hill, một chuyên gia về Nga từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia của cựu Tổng thống Trump cho hay.
Tổng thống Putin, trên cả hai cương vị là Tổng thống và Thủ tướng kể từ năm 1999, đã có kinh nghiệm đàm phán với 4 đời Tổng thống Mỹ và ông Biden sẽ là nhà lãnh đạo thứ năm.
"Dĩ nhiên, Tổng thống Putin quan tâm đến Hội nghị Thượng đỉnh này vì nó nằm trong lợi ích của Nga. Tuy nhiên, ông ấy sẽ đàm phán như một nhà quân sự thay vì một nhà ngoại giao, phản ánh mối quan hệ Nga - Mỹ hiện nay", nguồn tin thân cận với chính phủ Mỹ cho hay.
Tổng thống Biden từ lâu đã từ bỏ những ảo tưởng rằng Tổng thống Putin sẽ là một đồng minh hợp tác. Trong khi cựu Tổng thống Trump vẫn dành những lời khen ngợi cho Tổng thống Putin và duy trì quan hệ hòa hợp ở một mức độ nhất định với Nga thì Tổng thống Biden không có quan điểm như vậy.
Với ông Biden, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ là một cơ hội ban đầu để ghi dấu ấn cá nhân trong mối quan hệ này và định hình nó phù hợp với phong cách lãnh đạo của chính ông.
Giai đoạn mới từ những kỳ vọng thực tế
Các quan chức Mỹ coi biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ trang là 2 lĩnh vực có triển vọng hợp tác nhất giữa 2 bên. Tổng thống Putin đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu của ông Biden vào tháng trước và 2 nhà lãnh đạo đã nhanh chóng gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ trang hạt nhân New START sau khi ông Biden nhậm chức.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết ông Biden đã nêu ý tưởng về Hội nghị Thượng đỉnh trên trong một cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia hồi giữa tháng 4 về các lệnh trừng phạt, đồng thời cho rằng việc trao đổi trực tiếp với Nga sẽ có ý nghĩa nhất định với các lợi ích của Mỹ.
Quan chức trên cũng nhận định ông Biden và đội ngũ của ông đều đánh giá về sự phức tạp trong quan hệ với Nga khi hai bên mâu thuẫn trong nhiều vấn đề.
"Tôi nghĩ chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn mới trong quan hệ Nga - Mỹ với những kỳ vọng rất thực tế", quan chức trên cho hay.
Điều ông Biden mong đợi trong cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Putin,bên cạnh các phạm vi về cách thức hợp tác với nhau, hiện vẫn chưa rõ.
"Có rất nhiều điều cần giải thích về kết quả thực sự của Hội nghị Thượng đỉnh này. Nhìn chung, các cuộc gặp Thượng đỉnh ở cấp nguyên thủ đều có một mục tiêu nào đó. Hiện vẫn chưa rõ hai bên có các mục tiêu cụ thể gì", một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho hay./.