Tính toán di dời những bản làng ven sông, suối

Bão lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi nước ta ngày càng phức tạp hơn. Trong bão số 3 (Yagi), thiệt hại về người và tài sản nặng nề. Xây khu tái định cư cho người dân được sống an toàn là vấn đề bức thiết đang đặt ra.

Khoảng 253 nghìn hộ ở vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai

Làng Nủ thuộc huyện Bảo Yên, Lào Cai. Chỉ mới tuần trước, đây vẫn là nơi sinh sống của 33 hộ dân, 40 nóc nhà với 168 nhân khẩu. Lũ quét tràn qua đã cuốn phăng cả ngôi làng, cướp đi sinh mạng hàng chục người.

Núi sạt lở tràn qua một phần bản Nậm Tông (Lào Cai) làm nhiều người thiệt mạng ngày 14/9.

Núi sạt lở tràn qua một phần bản Nậm Tông (Lào Cai) làm nhiều người thiệt mạng ngày 14/9.

Ngày 12/9, tại Làng Nủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước ngày 31/12 phải xây xong khu tái định cư, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn. Dân Làng Nủ đã thống nhất vị trí tái định cư mới cùng với đề nghị nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, xây bằng xi măng cốt thép.

Cũng trong đợt này, tỉnh Lào Cai quyết định xây dựng khu tái định cư Nậm Tông cho người dân và một số bản khác thuộc Nậm Tông, cũng bị lũ quét.

Ở khu vực miền Trung, cách đây không lâu, cuộc sống người dân thôn Mang He, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi bị nước lũ đe dọa. Cả thôn có 48 ngôi nhà, khi nước lũ tràn qua đã cuốn trôi 6 căn nhà, 40 căn nhà bị nước lũ bao vây.

Sau cơn lũ này, tỉnh Quảng Ngãi đã di dời người dân đến khu tái định cư Mang Hin (thôn Mang He, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây), một chỗ ở mới an toàn hơn, thuận tiện đi lại.

Làng Nủ, Mang He là hai trong số những bản làng được di dời sau khi xảy ra sự cố thiên tai với những thiệt hại nặng nề. Thực tế hiện nay, các tỉnh miền núi đang có nhiều bản làng sống ở những nơi đối diện với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Đơn cử tại Hòa Bình, thống kê năm 2023, tỉnh này có 234 điểm dân cư với 5.215 hộ dân nằm vùng nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai cần phải có phương án bố trí sắp xếp ổn định. Trong số đó, có 143 điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn; 21 điểm với 167 hộ nằm trong khu vực thường xuyên bị lũ quét.

Hay như Lào Cai, hiện nay toàn tỉnh có 314 điểm sạt lở đất trên 50m3 (93 điểm đã có biển cảnh báo, 222 điểm chưa có biển cảnh báo); 53 điểm có nguy cơ sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên 50m3 (1 điểm đã có biển cảnh báo, 53 điểm chưa có biển cảnh báo).

Còn theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2030 cả nước cần bố trí, sắp xếp ổn định cho khoảng 253 nghìn hộ ở vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai.

Để thiệt hại do thiên tai bớt nặng nề

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu khu dân cư, hộ dân khu vực dễ tác động bởi thiên tai không được bố trí, sắp xếp kịp thời, thiệt hại vẫn tiếp diễn và công tác khắc phục vô cùng phức tạp.

Theo chuyên gia, TS Trần Xuân Lượng, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn đến công tác di dời, tái định cư các làng bản đến nơi an toàn; tích hợp chương trình nhà ở cho đồng bào dân tộc, làng bản miền núi với công tác phát triển nhà ở, nhà ở xã hội.

"Bản làng miền núi phần lớn là tự phát. Người dân thường bám theo nguồn nước là sông, suối để ở và canh tác. Suối lại là dòng chảy của lũ. Người dân sống ở khu vực đó rủi ro rất lớn, khi lũ xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng. Làng Nủ là một ví dụ điển hình", ông Lượng nói và cho rằng, công tác di dời được thực hiện chủ động, mô hình làng bản an toàn được nhân rộng hơn thì thiệt hại do thiên tai sẽ bớt nặng nề.

Cũng theo ông, cơ quan quản lý nhà nước cần khảo sát địa chất để có giải pháp cụ thể đối với từng khu dân cư. Những khu vực nào nguy hiểm, nguy cơ cao cần di dời người dân. Nhà nước cần bố trí tái định cư với hạ tầng đáp ứng được yêu cầu đời sống và canh tác của khu dân cư, trước hết là giao thông.

Những khu dân cư nguy cơ thấp hơn, có thể xây dựng kè, đê ngăn lũ, ngăn xói lở. Giải pháp có thể làm ngay là xây dựng nhà cộng đồng chống thiên tai bằng bê tông cốt thép, nơi này sẵn sàng trở thành nơi lưu trú của người dân bản địa khi có nguy hiểm.

Đưa vào chương trình phát triển nhà ở

Ông Lượng cũng cho rằng, việc di dời, xây dựng nhà ở cho đồng bào miền núi, những khu vực có nguy cơ cao hoàn toàn có thể tích hợp vào chương trình phát triển nhà ở, nhà ở xã hội mà Nhà nước đang triển khai.

Bản chất chính sách nhà ở là dành cho đối tượng yếu thế trong xã hội, đó là một chính sách công bằng. Thế nhưng hiện nay, chính sách nhà ở xã hội được đề cập nhiều ở thành phố mà chưa nhắc đến các khu dân cư tập trung cho đồng bào miền núi, thầy giáo, cô giáo vùng sâu, vùng xa.

Cùng quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Nhà nước cần bổ sung các quy định về lựa chọn địa điểm xây dựng, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Ở những nơi đồng bào còn đang sống rải rác, phân tán thì vận động đồng bào tự nguyện di chuyển vào các làng bản gần đường giao thông; Dành quỹ đất cho các công trình quan trọng như nhà ở, trường học, y tế, trụ sở. Quy hoạch các điểm dân cư cần chỉ ra các địa điểm sơ tán khẩn cấp và có cảnh báo sớm để sơ tán kịp thời.

"Việc cơ quan nhà nước cần làm ngay sau cơn siêu bão số 3 là phải xem xét, kiểm tra lại tất cả bản làng, đưa ra chính sách định cư, di dời phù hợp để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất", ông Chính nói.

Ổn định nơi sinh sống cho đồng bào thiểu số

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1719 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.

Mục tiêu đưa ra là hoàn thành công tác định canh, định cư, sắp xếp bố trí ổn định cho 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu dân cư xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở...

Nguyễn Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tinh-toan-di-doi-nhung-ban-lang-ven-song-suoi-19224091700383002.htm