Tính toán mới của Mỹ tại Syria
Washington muốn tránh để lại khoảng trống an ninh có thể tạo điều kiện cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo sống lại
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực tập hợp một lực lượng Ả Rập để thay thế sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria và giúp bình ổn vùng Đông Bắc quốc gia Trung Đông này sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại.
Đề xuất không mới
Đài CNN đưa tin ông John Bolton, tân cố vấn an ninh quốc gia và ông Mike Pompeo, người được đề cử làm ngoại trưởng mới, thuộc số những quan chức Mỹ ủng hộ sáng kiến nói trên. Ông Bolton gần đây đã gọi điện cho ông Abbas Kamel, quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Ai Cập, để tìm hiểu xem liệu Cairo có thể giúp ích cho nỗ lực này.
Ngoài ra, chính quyền ông Trump còn tìm kiếm sự đóng góp cả về tài chính lẫn quân sự cho sáng kiến từ Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Jordan, Kuwait, Oman.
Thông tin trên được tiết lộ vài ngày sau khi liên quân Mỹ - Anh - Pháp không kích các mục tiêu bị cáo buộc liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo tờ The Wall Street Journal hôm 16-4, ông Trump ngày càng mất kiên nhẫn khi thấy quá trình bình ổn Syria tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Ông chủ Nhà Trắng hồi đầu tháng này tuyên bố Mỹ cần đẩy nhanh việc rút khoảng 2.000 binh sĩ khỏi Syria nhưng Washington vẫn muốn tránh để lại khoảng trống an ninh có thể tạo điều kiện cho IS "hồi sinh".
Dù vậy, một số nhà phân tích nhận định sáng kiến trên đối mặt không ít rào cản. Ông Charles Lister, chuyên gia tại Viện Trung Đông (Mỹ), cho rằng Ả Rập Saudi và UAE đang bận can thiệp quân sự vào Yemen nên nguồn lực quân sự, tài chính không còn dồi dào.
Ngoài ra, không dễ thuyết phục Ả Rập Saudi và UAE chịu hợp tác với Qatar, quốc gia đang bị họ cáo buộc hỗ trợ khủng bố và có quan hệ thân thiết với Iran. Chưa hết, Ai Cập có thể không muốn bảo vệ những vùng lãnh thổ không thuộc sự kiểm soát của ông Assad.
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir hôm 17-4 nói đề xuất triển khai một lực lượng khu vực đến Syria "không có gì mới".
"Chúng tôi đang thảo luận với Mỹ về vấn đề gửi quân đến Syria. Tuy nhiên, chúng tôi cũng từng nêu đề xuất này với chính quyền ông Barack Obama rằng nếu Washington chịu gửi quân đến Syria, Ả Rập Saudi và những nước khác sẽ cân nhắc làm điều tương tự" - ông al-Jubeir cho biết.
Sáng kiến hay "tối kiến"?
Tuy nhiên, kênh Al Jazeera nhận định giới chức quốc phòng Mỹ sẽ không khỏi lo ngại về khả năng của lực lượng Ả Rập Saudi nếu họ được triển khai ở Syria. Nỗi lo này xuất phát từ cuộc chiến chống nhóm phiến quân Houthi ở Yemen của liên quân do Riyadh đứng đầu, đang bị chỉ trích là gây ra thảm họa nhân đạo. Mặt khác, ngay cả khi Riyadh đồng ý sáng kiến của Washington, vẫn chưa rõ những nước khác có chịu nhập cuộc hay không.
Một số chuyên gia còn lo ngại một lực lượng Ả Rập tại Syria, nếu có, sẽ phải vật lộn với chiến dịch chống IS bởi năng lực có hạn.
"Họ không giỏi chống nổi dậy và thậm chí còn kém hơn trong chiến tranh" - ông Faysal Itani, chuyên gia tại Hội đồng Atlantic (Mỹ), nói với trang Vox. Vấn đề đặt ra khi đó là Washington có đồng ý để lại một phần lực lượng để huấn luyện và hỗ trợ lực lượng Ả Rập hay không. Đây là điều khó xảy ra chừng nào ông Trump không đổi ý về việc rút toàn bộ lực lượng Mỹ và để các nước Trung Đông tự xử lý chuyện bình ổn Syria.
Đáng bận tâm không kém là giữa Mỹ và các nước Ả Rập có những ưu tiên khác nhau khi nhúng tay vào Syria.
Ông James Jeffrey, chuyên gia tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông (Mỹ), chỉ rõ rằng chống IS không phải là mục tiêu chính của một số nước có thể đóng góp quân vào lực lượng nói trên. Chẳng hạn, Ả Rập Saudi và UAE muốn có một chính sách tập trung vào việc chống Iran và ông Assad. Điều này có nguy cơ đặt lực lượng quân sự của 2 kẻ thù Ả Rập Saudi và Iran vào thế đối đầu trực tiếp ở Syria, đe dọa dẫn đến một sự leo thang nguy hiểm và không cần thiết trong cuộc xung đột đã quá đẫm máu.
Tóm lại, ông Jeffrey nhận định kế hoạch lập lực lượng Ả Rập ở Syria của chính quyền ông Trump có vẻ là "tối kiến" hơn là sáng kiến.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tinh-toan-moi-cua-my-tai-syria-20180418215950288.htm