Tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa khắc phục
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 34 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 16/3, các đại biểu đã đề cập đến tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa khắc phục triệt để, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ để rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ tới.
Cụ thể, về đầu tư công, đại biểu Tô Văn Tám đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gắn với đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng quốc gia, được nhân dân đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng, hiệu quả của một số công trình, dự án đầu tư công chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc thêm về tính hiệu quả của các dự án đầu tư công thời gian qua để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần có phân tích, đánh giá và nêu mục tiêu cụ thể hơn về liên kết vùng. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù Chính phủ đã đưa ra các giải pháp, chính sách thúc đẩy liên kết vùng nhưng hiệu quả trên thực tế chưa cao, do chưa phân công người chịu trách nhiệm điều hành các vùng nên không có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng. Vì vậy, nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để tạo sức mạnh, sự liên kết các vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.
ảnh minh họa
Cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và các ý kiến trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, năm cuối nhiệm kỳ Việt Nam chịu tác động rất lớn bởi thiên tai, dịch bệnh, ngập lụt, hạn hán, nhưng cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đạt được kết quả tích cực. Mặc dù đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng lần đầu tiên Chính phủ đã xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đại biểu cho rằng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ cần làm rõ thêm về việc tích hợp 118 chính sách trở thành một chương trình mục tiêu Quốc gia, đầu tư phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cử tri đánh giá cao những quyết sách đã được ban hành và mong muốn Chính phủ trong quá trình phân bổ kinh phí hàng năm ưu tiên phân bổ đủ nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục tình trạng chính sách nhiều nhưng nguồn lực lại thiếu, có như vậy mới đảm bảo thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với vùng đồng bằng…