Tình trạng 'chết người' sau những bữa ăn uống quá độ
Việc ăn uống quá độ, thiếu kiểm soát cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng đường huyết đột ngột, cảnh báo tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

Tiệc tùng kéo dài, ăn uống không kiêng cữ có thể là các nguyên nhân gât ra tăng đường huyết đột ngột. Ảnh: Unsplash.
Tăng đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, có thể gây nguy hiểm cho cả người có hoặc không có bệnh tiểu đường. Tình trạng này thường gây ra các triệu chứng như buồn ngủ, khát nước nhiều và đi tiểu thường xuyên, theo Healthline.
Tăng đường huyết cấp tính, hay còn gọi là "tăng đường huyết đột ngột", xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao bất thường. Theo tiêu chuẩn, mức đường huyết được coi là cao khi vượt quá 125 mg/dL sau khi nhịn ăn ít nhất 6 giờ hoặc vượt quá 180 mg/dL sau ăn 2 giờ. Trong ngày Tết, việc ăn uống quá độ, thiếu kiểm soát cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Ở người không mắc tiểu đường, tăng đường huyết có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán. Trong khi đó, đối với người mắc tiểu đường, mức đường huyết cao có thể phản ánh sự kiểm soát đường huyết kém và cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức.
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của tăng đường huyết cấp tính là nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA), một tình trạng y tế khẩn cấp thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường type 1. DKA xảy ra khi sự cân bằng hóa học trong máu bị rối loạn nghiêm trọng, có thể dẫn đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong.
Nếu không được điều trị kịp thời, tăng đường huyết cấp tính có thể trở thành mạn tính, gây ra tổn thương nghiêm trọng cho não, tim, thận và hệ thần kinh.
Triệu chứng của tăng đường huyết có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng phổ biến nhất bao gồm buồn ngủ, mệt mỏi, khát nước nhiều, đi tiểu thường xuyên, mờ mắt.
Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn và tiến triển thành DKA với các dấu hiệu như hơi thở có mùi trái cây, miệng và da khô, đi tiểu liên tục trong nhiều ngày, rối loạn nhận thức, khó tập trung, yếu ớt, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau bụng.
Một số người có thể không nhận thức được rằng mức đường huyết của họ đang tăng cao, điều này làm gia tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng mà không có sự can thiệp kịp thời.
Ngoài căng thẳng, chế độ ăn uống đảo lộn và sử dụng thuốc không đúng, một số vấn đề sức khỏe khác có thể góp phần làm tăng đường huyết như tổn thương tuyến tụy (viêm tụy mạn tính, ung thư tụy, xơ nang); rối loạn nội tiết gây tăng kháng insulin (hội chứng Cushing); suy tim sung huyết, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp (STEMI). Tăng đường huyết cũng có thể là biến chứng sau phẫu thuật, đặc biệt khi bệnh nhân được truyền glucose trong quá trình hồi phục.
Tăng đường huyết cấp tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời. Do đó, nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, đảm bảo sức khỏe lâu dài.