Dấu hiệu suy giảm chức năng thần kinh do lão hóa

Sự lão hóa của hệ thần kinh là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cả cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh.

Trong não, có sự giảm thiểu tự nhiên của số lượng và kích thước của các tế bào thần kinh, đặc biệt là trong các khu vực liên quan đến học tập và ghi nhớ như vùng hippocampus.

Sự lão hóa của hệ thần kinh là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cả cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh. Ảnh minh họa

Sự lão hóa của hệ thần kinh là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cả cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh. Ảnh minh họa

Lão hóa thần kinh diễn ra như thế nào?

Lão hóa là tiến trình tự nhiên của cơ thể, xảy ra khi tuổi tác ngày càng cao. Sự thay đổi trong quá trình lão hóa ở hệ thần kinh diễn ra như sau:

Giảm số lượng tế bào thần kinh, trong khi đó mô đệm phát triển ở một số vùng đại não. Trong thân các nơron có sự tích tụ sắc tố lipofuchsin: chất được coi là đặc trưng của quá trình lão hóa.
Giảm sản xuất chất dẫn truyền trung gian như acetylcholin, serotonin, dopamin, acid gamma aminobutyric hoặc hiện diện một số yếu tố sinh học khác như cortisol bất thường, gốc oxy tự do cũng có vai trò trong giảm trí nhớ của tuổi già.
Giảm tốc độ phản xạ do kém dẫn truyền vận động và giác quan do mất myelin ở sợi thần kinh.
Giảm sản xuất catecholamin khiến cơ thể giảm khả năng hưng phấn, nhưng nếu tới mức trầm cảm thì coi là "bệnh".

Giải phẫu bệnh học thấy tổn thương teo não, chứa nhiều sắc tố mỡ, giới hạn của từng lớp tế bào vỏ não kém, điển hình là trong tế bào vỏ não có những đám hạt tròn.

Có sự suy yếu rõ rệt một số hoạt động thần kinh cao cấp như: giảm sút trí nhớ, giảm hiệu quả học tập và sáng tạo. Tuy nhiên vẫn giữ hầu như nguyên vẹn: vốn từ ngôn ngữ, tri thức tích lũy...

Người ta nhận thấy ở người cao tuổi, thường hay gặp một số biểu hiện như giảm chú ý, kém tập trung, thiếu hoạt bát nhanh nhẹn, khó nhớ, hay quên, giảm khả năng và hiệu suất lao động… Đó là những hậu quả của quá trình lão hóa não và có thể do suy giảm hoạt tính của các chất truyền dẫn thần kinh. Các biến đổi đó không nhất thiết liên quan đến một bệnh thần kinh và phải được coi là do sinh lý của lão hóa.

Cần phải phân biệt các biểu hiện bệnh lý với các biến đổi sinh lý trước các trường hợp suy giảm nhận thức ở người cao tuổi.

Biểu hiện suy giảm chức năng thần kinh do lão hóa

Thần kinh bị lão hóa là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cả cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, từ suy giảm trí nhớ đến giảm khả năng tập trung và xử lý thông tin.

Suy giảm các giác quan: Khoảng 75% người trên 80 tuổi giảm khứu giác sinh lý không phải do tổn thương các nhánh thần kinh chi phối vùng niêm mạc mũi. Riêng trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer hoặc bệnh Parkinson có thể thoái hóa tiến triển ở các tế bào hành khứu.

Thị giác thường bị giảm vì đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng hoặc bệnh glocom. 6% người dưới 65 tuổi bị thoái hóa điểm vàng và trên 80 tuổi, tỷ lệ đó là 46%. Mặt khác, thị lực có khi bị giảm vì động tác liếc dọc và liếc ngang bị hạn chế.

Vị giác nói chung và khả năng phân biệt các vị cũng thường giảm đi khi tuổi đời tăng cao. Tuy nhiên, có khi rối loạn vị giác là biến chứng của suy thận hoặc do thiếu vitamin (acid folic, vitamin B12) hoặc có thể do tác dụng thứ phát của một vài loại thuốc (ví dụ nifedipin…).

Thính lực giảm sút, đặc biệt sau 65 tuổi, cứ 4 người có 1 người nghe kém. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến tình trạng bệnh tật hoặc do sử dụng thuốc (streptomycin, gentamycin…).

Hệ thực vật: 5 - 34% trường hợp có thể bị rối loạn tiểu tiện (tiểu khó, tiểu rắt, tiểu không hết bãi, tiểu tiện không tự chủ…). Rối loạn này có thể xảy ra nhất thời và tùy theo nguyên nhân, khoảng 30 - 40% có thể khỏi trong vòng từ vài tháng đến 1 năm. Cần loại trừ các trường hợp bệnh lý như phì đại tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu, bệnh vùng xương chậu. Phần lớn ở người cao tuổi không thấy do nguyên nhân thần kinh, tuy nhiên, khi có rối loạn đại tiểu tiện, cần kiểm tra hố chậu, trực tràng và khám thần kinh có hệ thống.

Chu trình thức - ngủ: Nhiều người cao tuổi thường ít ngủ, tỉnh dậy sớm và giấc ngủ ban đêm hay bị gián đoạn vì nhiều lần tỉnh giấc ngắn có hoặc không kèm theo cảm giác muốn đi tiểu. Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như: yếu tố môi trường, yếu tố tâm lý, bệnh tâm thần, nguyên nhân cơ thể (bệnh nội khoa), bệnh gây đau đớn, bệnh nguy kịch, nguyên nhân dược lý, rối loạn chất lượng giấc ngủ.

Chức năng trí tuệ: Các chức năng trí tuệ có thể bị nhiễu loạn, nhất là trí nhớ với nhiều biểu hiện khác nhau. Một số trường hợp rối loạn trí nhớ được người thân phát hiện nhưng rồi dễ bị bỏ qua bởi cho rằng tuổi già như thế là bình thường, không phải bệnh. Đáng chú ý là trí nhớ nói riêng, trí tuệ nói chung có liên quan mật thiết đến trình độ học vấn và điều kiện hoạt động gắn với tư duy của từng cá nhân.

Thần kinh bị lão hóa là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cả cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh.

Thần kinh bị lão hóa là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cả cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Việc thực hiện các biện pháp đề phòng sớm như duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, giữ tinh thần hoạt động và quản lý stress có thể giúp giảm nguy cơ lão hóa hệ thần kinh và duy trì sức khỏe.

Thực hiện các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, đạp xe. Các hoạt động tinh thần như đọc sách, giải đố, học ngôn ngữ mới hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Giấc ngủ đủ và chất lượng là quan trọng để cơ thể và não có thời gian phục hồi và tái tạo. Hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc lá, cồn, hóa chất và ô nhiễm môi trường có thể giảm nguy cơ lão hóa hệ thần kinh.

Bs. Nguyễn Xuân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-suy-giam-chuc-nang-than-kinh-do-lao-hoa-169250221111202679.htm