Tình trạng chồng chéo chính sách làm phân tán nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

i biểu Đinh Duy Vượt cho rằng, còn tồn tại tình trạng 'bội thực' chính sách dẫn đến chồng chéo phân tán; thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác.

Đại biểu Đinh Duy Vượt phát biểu. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Trong phiên thảo luận đã có 27 đại biểu phát biểu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã thay mặt Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ cơ bản đồng tình với sự cần thiết xây dựng Đề án; cho rằng việc thực hiện Đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc. Góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, có tình trạng chính sách dân tộc ban hành nhiều nhưng thiếu tính hệ thống, đồng bộ; dàn trải, manh mún, chồng chéo; một số chương trình, chính sách quan trọng nhưng thực hiện chậm, không đạt mục tiêu đề ra; chưa được bố trí đủ nguồn lực; cơ chế thực thi một số chính sách chưa phù hợp, thiếu đồng bộ...

Dẫn ra tình trạng nhiều chính sách chồng chéo, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, Đề án đã nêu rõ nguyên nhân, tồn tại nhưng có thể khái quát tình trạng “bội thực” chính sách dẫn đến chồng chéo phân tán; thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác.

Đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh, có chính sách kiểu “quan cần nhưng dân chưa vội” khiến tình trạng mất rừng, thiếu đất, sa mạc hóa đã và đang thu hẹp không gian sống, không gian văn hóa ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn ngàn đời của người dân. Theo đại biểu, đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng, phải kịp thời giải quyết.

Nhất trí với quan điểm không tiếp tục thực hiện 4 chính sách đang thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay, đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) cho rằng, nội dung một số chính sách đó chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng dân tộc, nên hiệu quả chính sách còn hạn chế.

Đại biểu Đinh Thị Bình nêu ví dụ, theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, học sinh dân tộc thiểu số khi đáp ứng một số điều kiện thì được hỗ trợ gạo. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số học sinh mà gia đình không có đất trồng lúa nên cần cấp gạo, còn một phần không nhỏ học sinh sống ở vùng thuận lợi cho việc trồng lúa nên gạo các em dẫu có được cấp thì lại sử dụng vào mục đích khác, làm mất đi ý nghĩa của chính sách này.

Từ đó, đại biểu Đinh Thị Bình đề nghị, Chính phủ nghiên cứu để bổ sung thêm một quan điểm của Đề án là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi phải dựa trên nghiên cứu cụ thể về nhu cầu, đặc điểm cụ thể của từng vùng, từng cộng đồng dân tộc thiểu số, không có chính sách đồng nhất cho mọi đối tượng, vùng miền hay nói cách khác. Chính phủ chỉ nên quy định chính sách khung, còn những chính sách cụ thể thì giao địa phương tự chủ nhằm có chính sách phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

Bày tỏ đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp nêu ra để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện khó khăn, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nhấn mạnh, trong số các nhiệm vụ được nêu trong dự thảo Đề án, phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông kết nối, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh là quan trọng nhất.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, để bảo đảm sinh kế và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi như chăn nuôi, trồng trọt các cây, con chủ lực; cải tạo vườn tạp...

Mô hình kinh tế này không cần phải đầu tư lớn, có thể tận dụng sức lao động của bà con dân tộc thiểu số, lấy công làm lãi, giúp xóa đi có khu vườn tạp, vườn bỏ hoang ở một số vùng núi, góp phần làm thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn miền núi và mang lại giá trị kinh tế thường xuyên cho các hộ gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bà Trang cho biết, tổng kết của Chính phủ trong ba năm 2016 - 2018 cho thấy, chúng ta thu hút được 4.699 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 365 tỷ đồng, nhưng những dự án này chỉ tập trung ở những vùng đô thị, ven đô thị còn ở những địa bàn xã, khu vực 2, khu vực 3 thì hầu như không có hoặc nếu có thì quy mô nhỏ, ít tác động đến phát triển kinh tế địa phương.

Theo đại biểu Trang, để có được những dự án lớn cho khu vực này thì cần rất nhiều vốn, vì vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ như dự thảo Đề án đề ra, cần có chính thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư phát triển kinh tế cho những vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tinh-trang-chong-cheo-chinh-sach-lam-phan-tan-nguon-luc-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post69981.html