Tình trạng học sinh bỏ học ở Sốp Cộp
Thời gian gần đây, tình trạng học sinh bỏ học ở các xã vùng cao của huyện Sốp Cộp đã trở thành vấn đề đáng lo ngại, tác động tiêu cực đến sự phát triển giáo dục của địa phương.
Từ trung tâm xã Mường Lạn, chúng tôi đi theo con đường nhựa khoảng 3 cây số, rồi bắt đầu leo lên con dốc đường đất dài khoảng 5 cây số nữa để đến nhà cháu S.T.V, bản Huổi Pá. Đây là bản có 5 học sinh bỏ học, trong đó có 4 cháu đi lấy chồng, 1 cháu đi làm thuê. Mặc dù đến nhà cháu S.T.V từ sớm, nhưng chúng tôi phải đợi đến 18h, cháu mới cùng chồng đi làm nương trở về.
Đang là học sinh lớp 8 của Trường PTDTBT THCS Mường Lạn, nhưng S.T.V đã bỏ học để lấy chồng ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão vừa rồi. Khi được hỏi tại sao lại bỏ học thì S.T.V ngây thơ trả lời: “Nhà chồng không cho đi học nữa nên cháu phải nghỉ”.
Ông Vì Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn, chia sẻ: Mặc dù thầy cô giáo, cán bộ xã lên tận nhà để vận động quay trở lại trường học nhưng không thành công. Bố mẹ cũng không ngăn cản việc cháu bỏ học vì gia đình cần có người làm.
Trường PTDTBT THCS Mường Lạn, là một trong 9 trường học trên địa bàn huyện Sốp Cộp có số học sinh bỏ học cao nhất. Năm học 2022-2023, nhà trường có 20 lớp học, 759 học sinh, trong đó có 430 học sinh bán trú. Thầy giáo Phạm Văn Tuân, Hiệu trưởng, thông tin: Năm học này, trường có 28 học sinh bỏ học. Nhà trường vẫn thường xuyên tuyên truyền phòng chống tảo hôn, bình đẳng giới, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền, nhưng số học sinh bỏ học năm nay lại tăng đột biến so với những năm trước. Trước tình trạng này, nhà trường đã vận động các cháu quay trở lại trường, nhưng đến nay mới chỉ có 7 cháu quay lại học.
Sam Kha là xã đứng thứ 2 của huyện có số học sinh bỏ học. Ông Lò Thuận Hải, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trên địa bàn xã có 21 cháu học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Sam Kha bỏ học. Trước đó, nhiều cháu đã nghỉ học, sau vài lần vận động các cháu đã quay lại học, nhưng lần này đã nghỉ hẳn. Vận động các cháu quay lại trường học rất khó. Lý do các cháu bỏ học chủ yếu là đi lấy chồng, lấy vợ, lười học, ở nhà trông em, đi lao động ngoài tỉnh, học không tiếp thu được nên chán học...
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện, đến thời điểm sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn huyện có 82 học sinh bỏ học và còn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở các xã vùng cao. Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế khó khăn, ảnh hưởng của một số mạng xã hội. Nhiều học sinh phải bỏ học để giúp đỡ gia đình làm nông, chăn nuôi hoặc đi làm ở các công trình xây dựng. Ngoài ra, những hạn chế về giao thông, đi lại và thiếu nguồn lực đầu tư vào giáo dục cũng đang gây khó khăn cho việc duy trì các trường học ở khu vực này. Trong số 82 học sinh bỏ học thì có 28 cháu đi làm thuê trong và ngoài tỉnh, 13 cháu lấy vợ, lấy chồng sớm; còn lại nguyên nhân chủ yếu là học lực yếu, ở nhà giúp bố mẹ, gia đình không cho đi học...
Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp, thông tin: Số học sinh bỏ học tập trung ở tất cả 8 xã trên địa bàn huyện. Trước thực trạng trên, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã thành lập ban vận động học sinh ra lớp nhưng không hiệu quả. Đến nay, các trường đã vận động được 27 học sinh quay trở lại, nhưng chúng tôi lo lắng nhất là kỳ nghỉ hè sắp đến, số học sinh bỏ học sẽ tiếp tục tăng lên.
Việc học sinh bỏ học ở huyện Sốp Cộp ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và tâm lý của nhiều học sinh khác. Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Trước tình trạng trên, huyện đã yêu cầu các xã tăng cường tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp. Xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác nắm bắt tình hình, phối hợp với gia đình học sinh để vận động các em học sinh bỏ học trở lại lớp. Hiệu trưởng các trường chủ động tham mưu với Đảng ủy, UBND xã, các tổ chức đoàn thể xã xây dựng kế hoạch chi tiết, rõ nhiệm vụ, giải pháp để vận động học sinh ra lớp; phân công giáo viên phụ trách từng bản, thường xuyên thăm hỏi, nắm tình hình tư tưởng học sinh, nhất là quan tâm đến học sinh yếu kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học ở Sốp Cộp, cần có sự chung tay của các tổ chức, cộng đồng và chính quyền địa phương. Đồng thời, quan tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục ở các khu vực vùng cao, tạo điều kiện để các em học sinh có thể tiếp cận với giáo dục chất lượng cao. Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhân dân, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho các em yên tâm đến trường.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/tinh-trang-hoc-sinh-bo-hoc-o-sop-cop-rsEXNJ84R.html