Tình trạng người dân qua đời trong cô độc ngày càng phổ biến ở Nhật

Sự việc một phụ nữ cao tuổi và con gái chết đói trong căn hộ ở Osaka đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng 'kodokushi' ở Nhật Bản.

Zing trích dịch bài đăng từ AFP South China Morning Post, đề cập đến xu hướng gia tăng của những người chết trong cô độc, không được ai phát hiện ở Nhật Bản.

Ngày 11/12, cảnh sát ập vào một căn hộ ở quận Minato, thành phố Osaka (Nhật Bản). Họ phát hiện 2 thi thể đang phân hủy của một bà mẹ 68 tuổi và con gái 42 tuổi.

Tủ lạnh trong nhà trống trơn, nguồn nước và ga đều bị ngắt. Ví tiền của người phụ nữ lớn tuổi chỉ vỏn vẹn 13 yen (chưa đầy 0,13 USD).

Theo kết quả khám nghiệm tử thi, hai nạn nhân đều qua đời được vài tháng do suy dinh dưỡng. Trong đó, người mẹ chỉ nặng khoảng 30 kg trước khi tử vong.

Cái chết thương tâm của họ dấy lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng kodokushi, tức chết trong cô độc và không được phát hiện, trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

 Một nhân viên dọn dẹp căn hộ của người chết cô độc tại nhà. Ảnh: AFP.

Một nhân viên dọn dẹp căn hộ của người chết cô độc tại nhà. Ảnh: AFP.

Chết một mình, không ai biết

Hiện tượng kodokushi, tức những người chết trong cô độc và không được phát hiện, lần đầu tiên được xác định ở Nhật Bản vào những năm 80. Nó ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt ở những thành phố lớn, nơi có nhiều cư dân lựa chọn sống một mình.

Trên thực tế, số lượng người độc thân tại xứ sở hoa anh đào tăng đáng kể trong 30 năm qua. Theo tuần báo Shukan Toyo Keizai, có tới 20% người dân quốc gia này chọn cuộc sống độc thân cả đời.

Hiện chưa có số liệu chính thức về những người qua đời một mình ở Nhật. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính con số này rơi vào khoảng 30.000 người/năm.

Yoshinori Ishimi, ông chủ công ty Anshin Net chuyên dọn dẹp nhà cửa của những người qua đời trong cô độc, nói rằng con số thực tế có thể gấp 2 hoặc 3 lần.

 Ảnh chụp ông Kinoshita (83 tuổi) năm 2017. Ông đã sống một mình hơn 14 năm. Ảnh: New York Times.

Ảnh chụp ông Kinoshita (83 tuổi) năm 2017. Ông đã sống một mình hơn 14 năm. Ảnh: New York Times.

Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi truyền thống Nhật Bản đề cao tính tự lực của cá nhân, gia đình mỗi khi gặp vấn đề. Việc nhờ vả hàng xóm được coi là điều cấm kỵ. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu sự tương tác giữa những người sống gần nhau, khiến họ bị cô lập.

“Hồi tôi còn nhỏ, cảnh sát khu phố đã đến thăm gia đình tôi mỗi khi chúng tôi chuyển đến nơi ở mới. Ngày nay, họ không còn làm vậy nữa do lo ngại ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân. Các cuộc trò chuyện giữa hàng xóm với nhau cũng giảm dần theo thời gian. Điều đó đồng nghĩa với việc mạng lưới kết nối trong xã hội trở nên yếu hơn”, Yasuyuki Gondo, Giáo sư tâm lý học chuyên về lĩnh vực lão khoa tại Đại học Osaka, cho biết.

Ông nói thêm: “Hơn nữa, người trẻ thời nay ưa sống một mình và không có nhu cầu tiếp xúc với hàng xóm - những người có thể đã sống ở đó lâu năm và già nua. Đối tượng này lại không còn đủ sức để chủ động làm quen hay quan tâm đến cư dân mới đến. Sự hỗ trợ duy nhất họ nhận được là từ chính quyền địa phương”.

Khoảng 15% số người già độc thân tại Nhật cho biết họ chỉ có một cuộc hội thoại mỗi tuần. Con số này ở Thụy Điển là 5% và 6% ở Mỹ, theo AFP.

Trong vài thập kỷ qua, xã hội Nhật Bản chứng kiến sự thay đổi trong cả văn hóa lẫn kinh tế. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học cho rằng hệ thống an sinh xã hội vẫn lạc hậu và chưa đủ khả năng thực hiện việc trông coi, chăm sóc người già.

Trong khi đó, con cái của họ thường làm ăn xa hoặc không có đủ điều kiện kinh tế để phụng dưỡng cha mẹ trong bối cảnh mọi thứ đều đắt đỏ, khó khăn.

 Một khu chung cư lớn của chính phủ ở Tokiwadaira (Nhật Bản), nơi nổi tiếng với những cái chết cô độc. Ảnh: New York Times.

Một khu chung cư lớn của chính phủ ở Tokiwadaira (Nhật Bản), nơi nổi tiếng với những cái chết cô độc. Ảnh: New York Times.

Nhiều người mong muốn chính phủ tăng thuế nhằm cung cấp cho người cao tuổi những dịch vụ tốt hơn, giúp họ có thể nghỉ ngơi thay cho việc phải đi làm khi đã 70, 80 tuổi.

“Nếu gia đình không thể thực hiện vai trò của mình, xã hội cần xây dựng nền tảng để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, nếu không thì Kodokushi ngày càng phổ biến”, Katsuhiko Fujimori, một chuyên gia trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, cho biết.

Thực trạng nghèo đói

Hai nạn nhân đã sống ở căn hộ này khoảng 10 năm và rất tích cực hoạt động trong các nhóm cộng đồng ở địa phương, cho đến khi người phụ nữ 42 tuổi mất việc làm hồi đầu năm nay, theo Mainichi.

Hai mẹ con thừa nhận tình trạng túng thiếu với bạn bè và sống nhờ tiền họ hàng gửi cho. Chính quyền địa phương cho biết tên của họ không nằm trong danh sách xin trợ cấp công, nghĩa là văn phòng phúc lợi địa phương không biết đến họ.

 Một chủ nhà ở Tokyo đặt hoa ở nơi tìm thấy xác của người đàn ông 85 tuổi qua đời trong cô độc. Ảnh: Quartz.

Một chủ nhà ở Tokyo đặt hoa ở nơi tìm thấy xác của người đàn ông 85 tuổi qua đời trong cô độc. Ảnh: Quartz.

Trên thực tế, đói nghèo đã trở thành một vấn nạn ở xứ Phù Tang kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngày càng nhiều người dân tìm đến các trung tâm hỗ trợ để xin trợ giúp, tham vấn do bị thất nghiệp, không có thu nhập, không có điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Một số chính quyền địa phương cung cấp chỗ ở cho những người vô gia cư tại các khách sạn, ưu tiên các hộ gia đình, đồng thời tiến hành phát nhu yếu phẩm.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết hơn 391.000 cuộc tham vấn được tiến hành tại các trung tâm trên khắp đất nước kể từ tháng 4 đến tháng 9, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2019.

Các cơ quan phúc lợi cảnh báo rằng con số này sẽ còn tăng lên trong bối cảnh số bệnh nhân dương tính Covid-19 đã vượt ngưỡng 200.000 với 2.800 ca tử vong.

Tuy nhiên, dữ liệu này chưa thể bao quát toàn bộ vấn đề, do vẫn còn nhiều người không tiếp cận được lưới an toàn an sinh xã hội của quốc gia, như hai nạn nhân ở Osaka.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-trang-nguoi-dan-qua-doi-trong-co-doc-ngay-cang-pho-bien-o-nhat-post1166089.html