Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân chưa được ngăn chặn có hiệu quả

Báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, TTCP cho rằng, bên cạnh thành tích PCTN đã đạt được thì tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân

Cử tri TP Đà Nẵng, Hải Dương và Bến Tre cho rằng, tình tình trạng tham nhũng hiện nay rất báo động, giá trị tài sản tham nhũng trong các vụ án ngày càng lớn, vì vậy cần có giải pháp để sớm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo lòng tin trong nhân dân, với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Phản hồi ý kiến, Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng; chính quyền các cấp gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tích PCTN đạt được thì tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; còn có nơi dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có cả cán bộ quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Để khắc phục hạn chế, vướng mắc, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đấu tranh phòng chống tiêu cực, tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về PCTN; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt là việc hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện...

Người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Minh họa.

Người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Minh họa.

Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu người dân

Đối với kiến nghị của cử tri Thái Bình về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, Thanh tra Chính phủ cho hay, công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng đã đạt được những kết quả thiết thực, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương... nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển đất nước.

Theo Thanh tra Chính phủ, thời gian tới, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, sẽ tham mưu, giúp Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đẩy mạnh triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết và điều kiện thực hiện của các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính trọng tâm, liên quan trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành; tổ chức tốt kênh tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về thủ tục hành chính...

Tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh số hóa, nâng cao số lượng thủ tục và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4, bảo đảm chất lượng theo quy định. Thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tinh-trang-nhung-nhieu-gay-phien-ha-cho-nguoi-dan-chua-duoc-ngan-chan-co-hieu-qua-post1426519.tpo