Tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong cấp GCNQSDĐ có ở nhiều khâu, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai
Các câu hỏi chất vấn đã đi thẳng vào vấn đề tranh luận, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Chiều 11-7, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII đã tiến hành chất vấn đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN&MT với các nội dung: Hiện nay, nhiều dự án đã được UBND tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm. Việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, dư luận Nhân dân và một bộ phận cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Vấn đề tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) năm 2023 cấp huyện rất chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án; kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và đảm bảo nguồn thu ngân sách các cấp.
Báo cáo trước đại biểu HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm đã nêu lên thực trạng của các vấn đề được chất vấn. Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh có 339 dự án không thực hiện hoặc thực hiện đầu tư chậm tiến độ (chiếm 10,5% tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất), chủ yếu là các dự án hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ.
Tuy đã đạt được kết quả tích cực, song việc thực hiện thủ tục hành chính trong cấp GCNQSDĐ vẫn còn chậm: Hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai chiếm 3,2% đối với hồ sơ đã giải quyết, chiếm 8,11% đối hồ sơ đang giải quyết. Hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện chiếm 7,34% đối với hồ sơ đã giải quyết, chiếm 18,67% đối hồ sơ đang giải quyết; đặc biệt là lượng hồ sơ cấp lần đầu bị trả lại hoặc đang chờ bổ sung chiếm tới 20,39% chưa được giải quyết cho người dân.
Về tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh QHSDĐ thời kỳ 2021 - 2030, KHSDĐ năm 2023 cấp huyện, trong quá trình thực hiện, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, song tiến độ rất chậm. Đến ngày 25-4 các huyện, thị xã, thành phố mới hoàn thành nộp hồ sơ thẩm định; đến ngày 10-5, Hội đồng thẩm định hoàn thành việc thẩm định của 27/27 đơn vị. Đến hôm nay (11-7), có 25/27 đơn vị có văn bản, hồ sơ đủ điều kiện trình phê duyệt; UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt 9 đơn vị.
Giám đốc Sở TN&MT đã phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp trong thời gian tới. Đồng thời nhận trách nhiệm trong một số vấn đề có liên quan.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề được chất vấn. Nhiều đại biểu đã thẳng thắng đặt câu hỏi làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương liên quan trong các vấn đề dự án chậm tiến độ, việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Về vấn đề dự án chậm tiến độ, đại biểu Hoàng Anh Tuấn (Tổ đại biểu huyện Hậu Lộc) và đại biểu Vũ Thị Huyền (Tổ đại biểu thị xã Nghi Sơn) đặt câu hỏi: Số dự án chậm tiến độ được nêu tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII (7-2022) thì số liệu dự án chậm tiến độ vi phạm quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 đã tăng từ 60 dự án lên 154 dự án. Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh văn bản tham mưu thu hồi dự án nào chưa? Và giải pháp trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Cao Tiến Đoan (Tổ đại biểu TP Sầm Sơn) cũng đặt câu hỏi đề nghị Giám đốc Sở TN&MT đưa ra các giải pháp khắc phục việc chậm xác định giá đất để tính tiền giao đất, cho thuê đất...
Giám đốc Sở TN&MT đã trả lời từng câu hỏi của các đại biểu, đồng thời nêu rõ một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Còn tình trạng phiền hà, sách nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Vấn đề việc thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, dư luận Nhân dân và một bộ phận cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực nhận được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở TN&MT. Thậm chí nhiều đại biểu đã có câu hỏi tranh luận với phần trả lời của Giám đốc Sở TN&MT.
Nhiều đại biểu đề nghị Sở TN&MT làm rõ kết quả đạt được trong thực hiện kết luận Kết luận số 251/KL-HĐND, ngày 2-6-2022 của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cung cấp thêm thực trạng, phân tích nguyên nhân của tình trạng này.
Đối với nội dung này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nêu ví dụ cụ thể và đề nghị Giám đốc Sở TN&MT làm rõ có hay không tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong việc cấp GCNQSDĐ…
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong cấp GCNQSDĐ có ở nhiều khâu. Trong đó trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Đồng thời nhận trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến tình trạng này.
Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, từ khi đi vào hoạt động (ngày 1-9-2020) đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiếp nhận 149 đơn, gồm 132 đơn kiến nghị, phản ánh; 14 đơn tố cáo; 3 đơn khiếu nại. Trong đó, đã chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 58 đơn, Văn phòng Đăng ký đất đai xử lý 91 đơn. Sau xử lý đơn, Văn phòng Đăng ký đất đai đã ban hành 46 thông báo kết luận, 28 văn bản chấn chỉnh, 45 văn bản phê bình tập thể, Giám đốc các Chi nhánh, Trưởng các Phòng chuyên môn, viên chức, người lao động liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và tổ chức. Ban hành Quyết định kỷ luật bằng hình thức Buộc thôi việc đối với 1 viên chức; Quyết định kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với 2 viên chức;...
“Sở sẽ thực hiện các giải pháp để chấn chỉnh hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai và chi nhánh ở cấp huyện”, Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm khẳng định.
Đặt câu hỏi tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đinh Ngọc Thúy (Tổ đại biểu huyện Nông Cống) đề nghị Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo thực hiện giám sát việc thực hiện Kết luận số 251/KL-HĐND, ngày 2-6-2022 của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
Tiến độ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 còn chậm
Trong phần trả lời các câu hỏi chất vấn về tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh QHSDĐ thời kỳ 2021 - 2030, KHSDĐ năm 2023 cấp huyện rất chậm, Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm đã giải trình, làm rõ thêm nguyên nhân và đề ra giải pháp thực hiện. Theo đó, đến hết tháng 12-2022 KHSDĐ năm 2022 các huyện, thị xã, thành phố mới hoàn thành phê duyệt, đã phải tiến hành triển khai lập điều chỉnh QHSDĐ thời kỳ 2021-2030 và KHSD năm 2023 cấp huyện, dẫn đến khối lượng công việc lớn. Trong khi quá trình lập điều chỉnh QHSDĐ giai đoạn 10 năm phải trải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn, liên quan đến nhiều cơ quan nên mất nhiều thời gian. Trong đó, riêng khâu lập, trình phê duyệt đề cương nhiệm vụ; lập kế hoạch tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn đã mất 35 ngày…
Để khắc phục hậu quả của tình trạng này, từ đầu năm đến ngày 30-6-2023, Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất và cập nhật QHSDĐ năm 2022 đối với 16 công trình, dự án trên địa bàn các huyện Thiệu Hóa, Mường Lát, Hà Trung, Triệu Sơn, Quảng Xương, Yên Định, Hậu Lộc, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn...
Liên quan đến nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đã giao nhiệm vụ cho các địa phương liên quan kiểm tra, rà soát, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nhiều cử tri kiến nghị tới kỳ họp qua đường dây nóng, báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 30-7-2023.
Tại phiên chất vấn Giám đốc Sở TN&MT, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề được đông đảo đại biểu và cử tri quan tâm.
Kiên quyết chấm dứt dự án đầu tư không đúng pháp luật về đầu tư
Phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với Giám đốc Sở TN&MT, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, qua phiên chất vấn cho thấy, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu, nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề tranh luận, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Mặc dù lần đầu trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp HĐND tỉnh, nhưng với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm cao, Giám đốc Sở TN&MT đã trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn; đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, với quyết tâm chính trị rất cao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT và các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số các giải pháp, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh đất đai.
Về tình trạng nhiều dự án đã được UBND tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nâng cao chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án; có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư. Xem xét giảm thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện dự án; kịp thời hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Tiến hành đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án theo quy định và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ để nhà đầu tư triển khai dự án.
Chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; việc thực hiện các dự án được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý đối với các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất. Không để tình trạng dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ kéo dài mà không được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định. Kiên quyết chấm dứt dự án đầu tư không đúng pháp luật về đầu tư; thu hồi đất các dự án vi phạm quy định pháp luật đất đai, nhất là đối với các dự án đã được gia hạn nhiều lần. Đưa đất đã thu hồi vào sử dụng ngay, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất bảo đảm năng lực tài chính, có khả năng triển khai dự án, quyết tâm thực hiện và sớm hoàn thành dự án. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan chức năng cấp tỉnh với chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát theo dõi việc quản lý, sử dụng đất, đầu tư dự án.
Đầu tư hệ thống quản lý thông tin đất đai hiện đại, để theo dõi thông tin về các dự án đầu tư, trong đó có tiến độ đầu tư, tiến độ sử dụng đất của các dự án. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai; đặc biệt là cán bộ làm công tác thanh tra đất đai, bảo đảm trình độ, phẩm chất, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ. Các tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư phải thực hiện việc báo cáo định kỳ tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ sử dụng đất về UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực
Về tình trạng cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh còn chậm, còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật về đất đai để người dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận. Hướng dẫn UBND cấp huyện phân loại, giải quyết dứt điểm các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai rà soát lại số liệu và tiến hành phân loại, làm rõ các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận để giải quyết theo quy định với kế hoạch, lộ trình, phân công nhiệm vụ cụ thể, Thực hiện nghiêm Kết luận số 251/KL-HĐND ngày 2-6-2022 của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách tiến hành giám sát việc thực hiện Kết luận số 251.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch để giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, ý thức công vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ địa chính, quản lý đất đai các cấp. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện một số giải pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh QHSDĐ thời kỳ 2021 - 2030, KHDSĐ năm 2023 cấp huyện. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 -2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 và các năm tiếp theo của địa phương, đơn vị. Chú trọng việc lập, phê duyệt đề cương nhiệm vụ và tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn. Trong khi chỉ tiêu sử dụng một số loại đất, đặc biệt là đất lúa được phân bổ có nhiều khó khăn, bất cập, cần xác định thứ tự ưu tiên các công trình, dự án cấp bách, quan trọng, có tính chất thúc đẩy, đột phá để cân đối, xác định trình duyệt.
Sở TN&MT tiếp tục theo dõi, hoàn thiện hồ sơ của 2 huyện còn lại khẩn trương trình UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh QHSDĐ thời kỳ 2021 - 2030 và KHSDĐ năm 2023 cấp huyện, xong trước ngày 15-7-2023. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sớm tham mưu hướng dẫn, độn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập kế hoạch sử dụng đất bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và triển khai các công trình, dự án, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và đảm bảo nguồn thu ngân sách các cấp. Tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng các loại đất được phân bổ trong Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ…