Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác IUU còn diễn biến phức tạp

Mặc dù Kiên Giang có nhiều nỗ lực thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (viết tắt là khai thác IUU), nhưng tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác IUU còn diễn biến phức tạp.

Sáng 19-7, đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trì hội nghị sơ kết công tác chống khai thác IUU 6 tháng đầu năm 2022; đối thoại doanh nghiệp, chủ tàu cá, thuyền trưởng về giải pháp ngăn chặn tàu cá hoạt động khai thác hải sản trái phép ngoài vùng biển Việt Nam.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, tính đến 30-6, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh đã đăng ký 9.808 chiếc. Toàn tỉnh có 3.656 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 93,9%. Hiện nay vẫn còn tình trạng tàu cá tháo thiết bị giám sát hành trình gửi sang tàu khác, gửi trên các bè cá, gửi vào bờ; thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất kết nối hoặc có kết nối ở cùng 1 vị trí trong thời gian dài, vẫn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Kiên Giang đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60 trường hợp với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 5 tỷ đồng. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang có 31 tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Các lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra, xác minh và xử lý 14/31 tàu cá có dấu hiệu vi phạm.

Tại hội nghị, ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội nghề cá TP. Rạch Giá cho rằng: “Tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra do các nguyên nhân: Ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân còn kém; hiệu quả đánh bắt thủy sản thấp do ngư trường cạn kiệt, chi phí sản xuất tăng; tình hình tiêu thụ khó khăn do dịch bệnh…”.

Đại diện cho các chủ tàu, ông Trương Văn Ngữ (bìa trái, ngồi hàng đầu) - Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá trình bày những khó khăn của chủ tàu trong thời gian qua.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lâm Minh Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết Nghị quyết 34–NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường các giải pháp quản lý ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau và các lực lượng trên biển về phối hợp tuần tra, kiểm soát phòng chống, xử lý khai thác IUU tại vùng khơi biển Kiên Giang, Cà Mau và vùng biển chồng lấn...

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tiếp tục thực hiện chức trách nhiệm vụ, cố gắng quản lý chặt chẽ tàu cá xuất nhập trạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang rà soát lại công tác thông tin, tuyền truyền đảm bảo người dân cập nhật đầy đủ,kịp thời văn bản, thông tin về các quy định chống khai thác IUU.

Công an tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra xác minh và củng cố hồ sơ vi phạm, khởi tố hình sự một số đối tượng môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển trong tỉnh Kiên Giang chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát lại số lượng tàu, kịp thời nắm bắt khó khăn của chủ tàu doanh nghiệp.

Đồng chí Lâm Minh Thành chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, chủ tàu. Đồng thời mong rằng hội nghề cá và chủ tàu luôn đồng hành với tỉnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thông tin với ngư dân biết những chủ trương, giải pháp tháo gỡ cho ngư dân mà tỉnh đang thực hiện.

Tin và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//trong-tinh/tinh-trang-tau-ca-ngu-dan-vi-pham-khai-thac-iuu-con-dien-bien-phuc-tap-9170.html