'Tình trạng thiếu chip có thể kéo dài thêm 2 đến 3 năm nữa'
Chủ tịch hãng điện tử tiêu dùng Trung Quốc Hisense Group dự báo tình trạng thiếu chip trên toàn cầu có thể kéo dài thêm 2 đến 3 năm nữa.
Cơn khát chip toàn cầu khiến các hãng ô tô phải loại bỏ một số tính năng cao cấp trên xe. Ảnh: AFP
Nhiều ngành công nghiệp từ điện tử tiêu dùng đến sản xuất ô tô đều đang chật vật với tình trạng thiếu chip. Điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt các sản phẩm điện tử và các nhà sản xuất đang phải gắng gượng để theo kịp nhu cầu khách hàng.
Các công ty Trung Quốc, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô điện, cũng đang cảm nhận rõ những khó khăn do thiếu chip. Hisense Group, một trong những hãng sản xuất TV và thiết bị gia dụng lớn nhất được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, cũng đã "thấm" tác động của cơn khát chip toàn cầu.
"Hisense sản xuất đồ gia dụng và hàng tiêu dùng, và điều này đòi hỏi những con chip tương đối đơn giản. Mặc dù nguồn cung thắt chặt và chi phí ngày càng cao, nhưng hoạt động kinh doanh của chúng tôi vẫn diễn ra bình thường", Chủ tịch Hisense, ông Jia Shaoqian nói.
Đại diện Hisense cho biết hầu hết các con chip được nhập khẩu vào Trung Quốc và sau đó các sản phẩm cuối cùng được hoàn thiện tại thị trường này trước khi xuất khẩu.
Mỹ và Trung Quốc vẫn bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kể từ nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và những căng thẳng thương mại giữa hai bên vẫn tiếp diễn cho đến hôm nay. Chất bán dẫn đã trở thành một vấn đề gây căng thẳng giữa hai bên khi Mỹ đã tìm cách chặn đường nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC tiếp cận công nghệ của Mỹ.
Nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt chip còn do nhu cầu thiết bị điện tử tiêu dùng tăng cao trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phong tỏa chống dịch kéo dài cộng với xu hướng học và làm việc trực tuyến ngày càng phổ biến. Trước những diễn biến khó lường của thương chiến Mỹ - Trung, nhiều công ty đã phải "phòng thân" bằng cách tăng dự trữ nguồn cung.
Chủ tịch Hisense Group nhận định, "nếu không có vấn đề gì lớn" xảy ra đối với các tranh chấp thương mại toàn cầu, thì tình trạng thiếu chip "có thể được giải quyết trong vòng 2 đến 3 năm tới". "Mặt khác, nếu các lệnh trừng phạt thương mại và kinh tế giữa các quốc gia vẫn tiếp tục, thì rất khó để dự tính điều này", ông Jia Shaoqian nói thêm.
Giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn trên thế giới nhận định tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2022 nếu tình hình không xấu đi. Tuy nhiên, vẫn có một số CEO cho rằng cơn khát chip toàn cầu có thể còn vượt xa năm 2022.
Hisense vốn không được nhiều người tiêu dùng bên ngoài Trung Quốc biết đến, nhưng trong vài năm qua tập đoàn đã tìm cách xúc tiến thương hiệu sang một số thị trường trọng điểm với tham vọng mở rộng hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc.
Hisense đã bước đầu thành công khi đi ra thế giới bằng việc mua lại các thương hiệu nước ngoài và các hợp đồng cấp phép. Tập đoàn này cũng đã mở rộng sản xuất ra nước ngoài và mở các văn phòng nghiên cứu và phát triển trên thế giới. Đến nay, khoảng 40% doanh thu của Hisense đến từ nước ngoài và Chủ tịch Hisense kỳ vọng tỷ lệ này sẽ nâng lên 50% trong 3 - 5 năm tới.
Trước Hisense, đã có một số thương hiệu Trung Quốc tìm cách thâm nhập thị trường châu Âu và kể cả Mỹ. Trong lĩnh vực điện thoại thông minh, Xiaomi, Oppo, Vivo, và Huawei đều đã làm rất tốt việc này.
Nhưng sự thành công của các thương hiệu Trung Quốc cũng đi kèm với việc họ vào tầm ngắm giám sát của chính phủ của nhiều nước trên thế giới. Đơn cử, chính phủ Mỹ đã cáo buộc Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia, một tuyên bố mà phía tập đoàn đã nhiều lần phủ nhận.
Trong khi đó, Chủ tịch Hisense vẫn cho rằng những thông tin tiêu cực đối với các thương hiệu Trung Quốc sẽ không ngăn được tham vọng ra toàn cầu của Hisense.
"Chúng tôi đã phát triển nhanh chóng ở thị trường châu Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây mà không bị ảnh hưởng (bởi những thông tin tiêu cực về các thương hiệu Trung Quốc - BTV) và điều này cho thấy người tiêu dùng đã đưa ra lựa chọn phù hợp với túi tiền của họ", ông Jia Shaoqian nhấn mạnh.