Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế: Để giải quyết dứt điểm là rất khó!
Mặc dù, các bệnh viện thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng, nhưng cán bộ y tế sẵn sàng bỏ việc nếu bị phân công tham gia công tác mua sắm, đấu thầu.
Thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng
Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức phiên giải trình về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong 2 năm qua, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn đều xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Việc thiếu thuốc xảy ra tương đối nghiêm trọng trong năm 2022, thời điểm chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu đối với danh mục thuốc tập trung cấp địa phương.
Vào tháng 5/2023, Sở Y tế phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, về cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, chủ yếu thiếu thuốc tập trung ở các mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu hoặc nhà thầu không tham gia như: Bupivacain, Lidocain...
Đối với danh mục do các cơ sở y tế tự đấu thầu, tình hình thiếu thuốc cục bộ xảy ra tại một số thời điểm: Chuyển tiếp giữa các gói thầu hoặc đấu thầu nhưng không lựa chọn được nhà thầu hoặc do nhà thầu cung ứng chậm, nhỏ giọt hoặc giá thầu quá thấp các nhà thầu không tham gia.
Tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, do phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, gây thiếu hụt một số loại thuốc, đặc biệt là Immune globulin trong giai đoạn cao điểm dịch tay chân miệng hiện nay.
Hiện nay, một số bệnh viện ở Đắk Lắk hết số lượng rất nhiều các mặt hàng phục vụ công tác thường quy như: gạc 30x40, ống đặt nội khí quản số 8, dây ô-xy 2 nhánh, bao camera, dung dịch rửa vết thương, ống hút đờm, dây máy thở, mặt nạ ô-xy, cồn... Trong thời gian tới, sẽ có thêm một số vật tư và hóa chất xét nghiệm hết số lượng sử dụng như: Dây truyền dịch, kim luồn tĩnh mạch, catheter thận nhân tạo, hóa chất sinh hóa, hóa chất huyết học, hóa chất sàng lọc máu,...
Một số vật tư, hóa chất phục vụ cho bệnh nhân điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng lần lượt hết, như khí ô-xy, dây máy thở, ống đặt nội khí quản; bơm tiêm 10ml; bơm tiêm điện các loại, dây truyền dịch, kim luồn tĩnh mạch, lọc vi khuẩn người lớn, điện cực tím, khẩu trang N95... Pct Brahms Elecsys, hóa chất...
Dẫn đến tình trạng trên, theo UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay, giai đoạn năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa bị gián đoạn, khan hiếm, giá cả biến động tăng khiến cho việc mua sắm thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Sau đại dịch Covid-19, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tăng cao, vượt quá khả năng cung ứng dịch vụ của các cơ sở y tế. Cụ thể, số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại các đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với thời gian trước đó đã làm ảnh hưởng đến việc xác định nhu cầu và triển khai kế hoạch mua sắm thuốc của các cơ sở y tế.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu cũng làm ảnh hưởng đến quá trình cung ứng thuốc. Đơn cử, thiếu cơ chế cho phép nhà thầu tài trợ mặt hàng khác bù cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi mặt hàng trúng thầu nhà thầu không thể cung cấp được do các nguyên nhân khách quan.
Bên cạnh đó, việc quy định cơ sở khám chữa bệnh thực hiện vai trò của chủ đầu tư để lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật về mua sắm, đấu thầu hiện hành chưa thực sự phù hợp đối với trường hợp sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế…
Khủng hoảng nhân lực y tế
Không chỉ vậy, công tác tổ chức thực hiện đấu thầu tại địa phương không đảm bảo về nhân lực. Liên quan đến vấn đề này, báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tại Sở Y tế, thiếu nhân sự có chuyên môn về Dược thực hiện chính công tác đấu thầu (2 nhân sự). Ngoài việc thực hiện đấu thầu đối với danh mục thuốc tập trung cấp địa phương, nhân lực của Sở Y tế còn phải thực hiện công tác thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các cơ sở y tế.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đấu thầu thuốc là một công việc phức tạp, đòi hỏi phải nắm kiến thức sâu về Luật Đấu thầu. Trong khi đó, đội ngũ y tế được đào tạo kiến thức chuyên môn về dược, để nắm bắt về đấu thầu phải có thời gian tìm hiểu và được đào tạo. Mặt khác, do thiếu hành lang pháp lý nên cán bộ y tế có tâm lý hoang mang, không dám làm, ngại không muốn tham gia và công tác đấu thầu, sẵn sàng bỏ việc nếu bị phân công tham gia vào làm công tác mua sắm, đấu thầu. Thực trạng này khiến khủng hoảng nhân lực y tế càng thêm trầm trọng...
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tính từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2023, toàn ngành Y tế tỉnh có đến 149 viên chức y tế xin thôi việc, trong đó có 84 bác sĩ. Đối với số lượng bác sĩ thôi việc, đa số là các bác sĩ có trình độ sau đại học, làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm y tế tuyến huyện (cơ sở y tế có giường bệnh, hệ điều trị) thuộc các chuyên ngành khác nhau như: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Răng - Hàm - Mặt, Tai - Mũi - Họng, …) là những nhân lực y tế chất lượng, có nhiều kinh nghiệm công tác.
“Với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế, trên tinh thần của một Đảng viên, tôi nhận thức sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung, công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ hoạt động cho ngành y tế nói riêng. Trên cơ sở khắc phục những thiếu sót trên, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn nữa, phục vụ tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho hay.
Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, bà đã trực tiếp tham dự nhiều hội nghị của Chính phủ, Bộ Y tế để tháo gỡ khó khăn về đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, đến nay, vẫn cho có giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ dứt điểm các khó khăn trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
Cũng theo bà H’Yim Kđoh, để trả lời câu hỏi khi nào giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay…. là rất khó. Bởi vì, đây không phải là thực trạng riêng của tỉnh Đắk Lắk, mà còn diễn ra chung tại các bệnh viện ở nhiều địa phương.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành y tế căn cứ vào các cơ sở pháp lý, trên cơ sở thực trạng của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để tháo gỡ trước mắt những khó khăn, thiếu thuốc trầm trọng của các bệnh viện hiện nay. Đồng thời, cần đánh giá, khảo sát, đào tạo lại nguồn nhân sự từ sở đến các cơ sở bệnh viện để đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm vụ làm công tác đấu thầu thuốc. Đối với giải pháp đấu thầu thuốc thông thường thì giao cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên làm; đông y thì giao Y học cổ truyền thực hiện...
Mặt khác, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách về mua sắm, đấu thầu cho phù hợp với tính đặc thù trong ngành y tế. Đồng thời, điều chỉnh các nội dung bất cập, tháo gỡ các vướng mắc, tạo sự yên tâm cho cán bộ y tế khi triển khai công tác đấu thầu nhằm có thuốc phục vụ người bệnh.
Các bộ, ngành liên quan xem xét nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản làm cơ sở pháp lý để thành lập trung tâm đấu thầu mua sắm công cho địa phương.
Ngoài ra, UBND tỉnh thành lập tổ công tác hỗ trợ công tác đấu thầu thuốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị...