Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ 'nóng' nghị trường

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 30, HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nguyệt đăng đàn trả lời chất vấn về tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Chiều 23/7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ nhất Kỳ họp thứ 30 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2025.

Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các vị ĐBQH tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Tiếp tục phiên chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nguyệt đăng đàn trả lời chất vấn về tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

 Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nguyệt

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nguyệt

Thừa nhận tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS theo biên chế được giao (thiếu 326 giáo viên), tư lệnh ngành GD&ĐT chỉ ra một số nguyên nhân như: do thay đổi cơ cấu môn học, số tiết chuẩn của các bộ môn khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; việc nghỉ hưu, thôi việc không đồng đều giữa các đơn vị, địa phương; số lượng học sinh tăng giảm hàng năm không ổn định; tỷ lệ giao biên chế không đồng đều, một số địa phương quỹ biên chế không còn...

Nhấn mạnh giải pháp, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, trong những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương có liên quan thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp và đã giải quyết được một phần tình trạng trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các bộ môn, địa phương, đặc biệt đã thực hiện việc tuyển dụng, biệt phái được nhiều giáo viên nhằm giải quyết khó khăn đối với các đơn vị thiếu.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT, Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đến toàn thể viên chức ngành trên địa bàn; ban hành quyết định quy định định mức số lượng học sinh trên lớp trong trường hợp đặc biệt tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Hà Tĩnh để thực hiện giao hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP; kịp thời tuyển dụng giáo viên còn thiếu; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và đề xuất tinh giản biên chế viên viên chức sự nghiệp GD&ĐT đảm bảo chỉ tiêu theo lộ trình từng năm; phân luồng tuyển sinh vào các lớp phù hợp.

Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp như rà soát để điều chuyển biên chế, điều động, thuyên chuyển, biệt phái hợp lý giữa các đơn vị, địa phương để đảm bảo khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên theo quy định; tăng cường công tác xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục, nhất là giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư số 17/2024/TT-BTC theo hướng chỉ kiểm soát chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt của toàn tỉnh, không kiểm soát theo đơn vị, xã, phường để rà soát giao lại biên chế đồng đều giữa các đơn vị, địa phương...

Chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT, đại biểu Thái Sinh - Phó Trưởng ban VHXH, HĐND tỉnh nêu thực tế, tại Trường THCS Kỳ Hà có 12 lớp giao 29 biên chế, trong khi đó Trường THCS Kỳ Long 24 lớp chỉ giao 30 biên chế. Sở có thể đưa ra giải pháp kịp thời để khắc phục tình trạng này ngay trong năm học 2025-2026 hay không?; có giải pháp gì để giải quyết dứt điểm tình trạng sĩ số lớp quá cao tại các trường THCS ở địa phận huyện Kỳ Anh cũ?

 Đại biểu Thái Sinh

Đại biểu Thái Sinh

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, bất cập thừa, thiếu giáo viên không chỉ ở 2 trường Kỳ Hà, Kỳ Long mà còn ở nhiều trường ở địa phận thị xã Kỳ Anh cũ. Xảy ra tình trạng này do theo Thông tư số 17/2024/TT-BTC ngày 14/3/2024 của Bộ Tài chính quy định: “Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo không vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt” nên việc giao biên chế không được ít hơn số biên chế hiện có và không giao dôi dư, dẫn đến bất cập trong việc giao biên chế không đồng đều giữa các đơn vị, địa phương (tỉ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương được giao cao do số hiện có cao, trong khi một số địa phương số biên chế hiện có thấp nhưng toàn tỉnh không còn quỹ biên chế nên phải giao thấp).

Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư số 17/2024/TT-BTC theo hướng chỉ kiểm soát chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt của toàn tỉnh, không kiểm soát theo đơn vị, xã, phường để rà soát giao lại biên chế đồng đều giữa các đơn vị, địa phương. Giải pháp trước mắt ngay trong năm học này, sở thực hiện biệt phái giáo viên để tạm thời đáp ứng nhu cầu dạy học.

Đối với tình trạng sỹ số lớp quá cao, nguyên nhân do việc thiếu giáo viên do đó không tách được lớp. Thời gian tới, sở sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó sẽ ban hành quy định định mức về số học sinh trên lớp trong trường hợp đặc biệt tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh; phân luồng tuyển sinh vào các lớp phù hợp…

 Đại biểu Đào Thị Anh Nga

Đại biểu Đào Thị Anh Nga

Đại biểu Đào Thị Anh Nga – Trưởng ban VHXH, HĐND tỉnh (Tổ đại biểu bầu tại huyện Thạch Hà cũ) nêu thực tế, hiện nay, tổng số giáo viên còn thiếu ở 3 cấp học là 326 giáo viên, nhiều nhất là cấp tiểu học. Trên địa bàn thừa 165 giáo viên dạy Toán trong khi một số trường không bố trí được giáo viên. Vậy, Sở GD&ĐT đã có phương án nào để bố trí giáo viên hợp lý?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GD&ĐT đã làm rõ vấn đề thừa - thiếu giáo viên ở các bậc học và các bộ môn. “Thực trạng thừa giáo viên ở các môn Văn, Toán và thiếu ở các môn học khác gây nhiều khó khăn cho ngành giáo dục. Mặc dù vậy, toàn ngành đã cố gắng điều tiết, hài hòa giáo viên ở các môn học đảm bảo chất lượng dạy học. Điều này đã được thể hiện rất rõ ở chất lượng giáo dục đại trà, khi Hà Tĩnh có 11/12 môn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT có kết quả thi thuộc top đầu toàn quốc” - người đứng đầu ngành GD&ĐT khẳng định.

Đại biểu Trần Thị Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND xã Đồng Tiến yêu cầu Sở GD&ĐT làm rõ việc phân cấp, điều động, đề bạt, bổ nhiệm giáo viên sau khi bỏ cấp huyện?

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản về việc ủy quyền cho UBND cấp xã trong điều động, bổ nhiệm, luân chuyên viên chức cấp xã. Như vậy, chủ tịch UBND xã có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm viên chức giáo dục trên địa bàn; còn từ xã này sang xã khác thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.

Đại biểu Đào Thị Anh Nga tiếp tục chất vấn: Việc bố trí giáo viên dạy giáo dục phổ thông tại các trường nghề được thực hiện như thế nào và các nhà trường tự hợp đồng với giáo viên dạy chương trình để trả lương có đúng quy định không?

Làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Nguyễn Thị Nguyệt đã viện dẫn cụ thể các quy định của Bộ GD&ĐT, trong đó, khẳng định các trường nghề được phép hợp đồng với giáo viên để dạy chương trình giáo dục phổ thông và bố trí địa điểm dạy học trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh. Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để cho phép các trường nghề có thể vận dụng linh hoạt khi dạy học chương trình giáo dục phổ thông; đồng thời, rà soát số lượng giáo viên hợp đồng để tiếp tục có các giải pháp căn cơ, hiệu quả…

Nhóm PV

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tinh-trang-thua-thieu-giao-vien-cuc-bo-nong-nghi-truong-post292301.html