Thiếu vật liệu xây dựng, chậm định giá đất 'nóng' tại phiên chất vấn HĐND tỉnh Hà Tĩnh
Nhiều vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường được đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh chất vấn thẳng thắn, đi vào thực chất. Từ thiếu hụt vật liệu xây dựng, chậm định giá đất đến bất cập trong quản lý khoáng sản, các câu hỏi xoáy sâu vào trách nhiệm và yêu cầu ngành chức năng đưa ra giải pháp cụ thể, khả thi.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 30 HĐND tỉnh Hà Tĩnh.
Chiều 23/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 30 HĐND tỉnh Hà Tĩnh, bài toán về nguồn vật liệu xây dựng tiếp tục là điểm nóng tại nghị trường. Các đại biểu đặt câu hỏi xoáy sâu vào nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu hụt vật liệu, vốn đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hàng loạt dự án trọng điểm trên địa bàn.
Thực tiễn cho thấy, tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất san lấp, đang gây áp lực lớn cho nhà thầu và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai các công trình đầu tư công. Theo phản ánh từ nhiều nơi, nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng một nửa so với nhu cầu. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là phải xác định rõ điểm nghẽn: thủ tục hành chính chậm hay cơ chế điều hành chưa theo kịp thực tế?

Đại biểu Phạm Nghĩa.
Tại nghị trường, đại biểu Phạm Nghĩa, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh (Tổ đại biểu bầu trên địa bàn huyện Can Lộc cũ), đặt vấn đề về tính khả thi của giải pháp thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công các hạng mục công trình, nạo vét vùng nước cảng biển, cảng cá, sông hồ. Đây được xem là hướng tiếp cận đa mục tiêu, giúp bổ sung nguồn vật liệu xây dựng mà không phải mở thêm mỏ mới. Tuy nhiên, ông cho rằng tiến độ triển khai còn rất hạn chế và đề nghị làm rõ nguyên nhân.
Trả lời chất vấn, ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua ngành đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng vướng mắc chủ yếu nằm ở quy định của Luật Khoáng sản hiện hành. Các hoạt động thu hồi khoáng sản trong quá trình nạo vét chưa được cho phép triển khai linh hoạt. Tuy nhiên, với Luật Khoáng sản năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, ngành sẽ chủ động phối hợp các đơn vị liên quan để rà soát công trình hồ, đập và lập dự án sử dụng vật liệu tận thu phục vụ các công trình trên địa bàn.

Ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh trả lời chất vấn.
Một tồn tại khác được nhiều đại biểu quan tâm là việc chậm cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản đã trúng đấu giá. Tính đến nay, còn 3 mỏ đã trúng đấu giá từ năm 2021 nhưng vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ do doanh nghiệp chỉ bắt đầu thủ tục đầu tư sau khi trúng thầu, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn tất thủ tục pháp lý. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 6042/UBND-NL5 ngày 10/10/2024, yêu cầu các sở, ngành, doanh nghiệp rà soát nhu cầu, đề xuất phương án nâng công suất khai thác. Hiện cả 3 doanh nghiệp nói trên đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được xem xét cấp phép khai thác, nhằm bổ sung nguồn cung vật liệu cho thị trường.
Ngoài ra, theo ông Lê Ngọc Huấn, ngành Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp các bên liên quan trình UBND tỉnh kế hoạch đấu giá quyền khai thác cho 15 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: 12 mỏ đất san lấp và 3 mỏ cát xây dựng lòng sông theo đề xuất của sở. Đồng thời, ngành cũng chuẩn bị cho đợt đấu giá khoáng sản đợt 2 năm 2025 trên cơ sở khoanh định tiềm năng từ cấp xã, phường và rà soát sự phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất hiện hành.

Đại biểu Võ Thị Hồng Minh.
Bên cạnh lĩnh vực khoáng sản, vấn đề định giá đất cho các dự án đầu tư công cũng được đại biểu Võ Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh (Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên cũ) đề cập. Bà đặt câu hỏi về số lượng các dự án đã giao đất nhưng chưa được định giá do thiếu đơn vị tư vấn hoặc hồ sơ còn tồn đọng.
Trả lời nội dung này, ông Lê Ngọc Huấn cho biết, toàn tỉnh còn 17/26 dự án chưa được phê duyệt giá đất. Hiện, Sở NN&MT đã tham mưu, phối hợp lựa chọn đơn vị tư vấn ký hợp đồng 13 dự án, còn 4 dự án chưa thuê được đơn vị tư vấn, trong đó 1 dự án vướng quy hoạch. Trong 17 dự án hiện có 4 dự án đã trình Hội đồng Thẩm định giá đất, dự kiến trong tháng 8 này sẽ trình UBND tỉnh hoàn thiện; 13 dự án còn lại sẽ cố gắng hoàn thành hoàn thành trong năm 2025.
Để khắc phục tình trạng chậm trễ, ngành đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: tập trung hoàn thiện dữ liệu giá đất, lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, tăng cường phối hợp các sở ngành và kiên quyết chấm dứt hợp đồng đối với các đơn vị tư vấn không đáp ứng tiến độ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy.
Một số đại biểu cũng phản ánh tình trạng giá đất tăng cao, trong đó đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Các cơ quan Đảng tỉnh (Tổ đại biểu bầu tại địa bàn huyện Hương Sơn cũ) cho rằng, việc giá đất tăng cao, đầu cơ thổi giá đất gây thiệt thòi cho người dân, nguyên dân do đâu, Sở NN&TN đã và đang có giải pháp gì?
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, giá đất tăng là xu hướng chung trên cả nước, nhất là tại các khu vực có yếu tố quy hoạch thu hút đầu tư. Luật Đất đai năm 2025 sẽ có điểm mới khi bồi thường theo giá sát thị trường, do đó các địa phương phải tính toán kỹ lưỡng trong công tác đền bù, đảm bảo công bằng, minh bạch. Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn chuyên môn và theo dõi sát việc thực hiện tại cơ sở.
Những nội dung được chất vấn cho thấy nhiều vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản và vật liệu xây dựng vẫn đang hiện hữu. Việc nhận diện rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn sẽ là điều kiện quan trọng để tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư phát triển đúng tiến độ.