Tính tự chủ của nền kinh tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, trong cảnh thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Bác Hồ thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956)

Bác Hồ thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956)

Theo Người, độc lập về chính trị chỉ có thể được củng cố vững vàng trên cơ sở một nền kinh tế độc lập tự chủ đáp ứng được các nhu cầu bên trong và đủ sức giao lưu với bên ngoài. Nếu sản xuất yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu trong nước, phải phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài thì trước sau cũng dẫn đến bị phụ thuộc về chính trị, không bảo vệ được độc lập và chủ quyền dân tộc.

Chính vì thế, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành tư tưởng về tính tự chủ của nền kinh tế. Trong hàng nghìn bài báo và bài nói chuyện, Người cho những ý kiến về cơ cấu của hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực kinh tế: Từ cơ cấu kinh tế của cả nước đến cơ cấu kinh tế của từng ngành, cơ cấu vùng, cơ cấu kinh tế trung ương và địa phương, kinh tế trong nước và hợp tác kinh tế với nước ngoài.

Khi nói đến tự chủ, Người đặc biệt coi trọng xây dựng một nền kinh tế có khả năng thỏa mãn mọi nhu cầu của nhân dân. Người giải thích rất rõ: Nền kinh tế mang tính tự chủ có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp, nếu hai chân không đều nhau, không thể lớn mạnh được. Nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân; cung cấp đủ nguyên liệu bông, mía, chè cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản lạc, đỗ, đay... để xuất khẩu đổi lấy máy móc.

Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hóa học, thuốc trừ sâu... để đẩy mạnh nông nghiệp; và cung cấp máy cày, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp. Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích.

Bác Hồ lưu bút trên một sản phẩm sứ khi Người về thăm Nhà Máy Sứ hải Dương (26-7-1962)

Bác Hồ lưu bút trên một sản phẩm sứ khi Người về thăm Nhà Máy Sứ hải Dương (26-7-1962)

Đối với thương nghiệp, theo Người, là cái cầu nối giữa công nghiệp và nông nghiệp. Người nói: “Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Nếu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”.

Người yêu cầu các cấp, các ngành phải quan tâm và có trách nhiệm giúp đỡ, phối hợp hoạt động với ngành thương nghiệp. Có như vậy, ngành thương nghiệp mới có thể đáp ứng nhiều nhất cho sự nghiệp công nghiệp hóa. Đối với các cơ sở sản xuất, Người yêu cầu người sản xuất phải nâng cao chất lượng hàng hóa, phải bảo đảm chất lượng sản phẩm khi giao cho thương nghiệp để đưa vào phân phối.

Phát triển vững mạnh công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp sẽ giúp nền kinh tế tự chủ, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân và nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất. Trên cơ sở tự chủ, Người chỉ đạo mở rộng hợp tác quốc tế “Trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi, Việt Nam sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước”.

Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định và giải quyết bằng phép biện chứng về mối quan hệ giữa nhân tố bên trong và bên ngoài, giữa nội lực và ngoại lực trong xây dựng và phát triển kinh tế; nhân tố bên trong, nội lực là chính, là quyết định; còn nhân tố bên ngoài, ngoại lực là phụ, nhưng lại rất cần thiết và quan trọng.

Nguyễn Văn

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tinh-tu-chu-cua-nen-kinh-te-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-81057.htm