Tính ưu việt của liên kết tầng trong hệ thống bảo hiểm xã hội

Ngày 29/6/2024, Quốc hội thông qua Luật BHXH năm 2024 thay thế Luật BHXH năm 2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Trong nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung lần này, có thể khẳng định vấn đề liên kết tầng trong hệ thống BHXH thể hiện rõ nhất tính ưu việt của một chính sách an sinh xã hội, đồng thời cụ thể hóa mạnh mẽ quan điểm của Đảng theo Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách xã hội.

Người dân nhận lương hưu, trợ cấp xã hội tại Bưu điện TP Tuy Hòa. Ảnh: VĂN TÀI

Người dân nhận lương hưu, trợ cấp xã hội tại Bưu điện TP Tuy Hòa. Ảnh: VĂN TÀI

Hướng đến bảo vệ quyền lợi người lao động

Những yêu cầu cải cách chính sách BHXH được xác định rõ trong Nghị quyết 28-NQ/TW là: “Mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.

Vì vậy, Luật BHXH năm 2024 quy định mở rộng đối tượng được tham gia BHXH và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng lương.

Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết, Luật BHXH 2024 quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH từng thời kỳ. Vì vậy, việc vận động người dân tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện là mấu chốt để hiện thực hóa một chính sách nhân văn của Đảng vào cuộc sống, góp phần ổn định xã hội và phát triển bền vững.

Quy định cụ thể về trợ cấp hưu trí xã hội

Mặt khác, Luật BHXH năm 2024 đã thể chế hóa nội dung bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng và cũng thể hiện sự liên kết, linh hoạt giữa các tầng, sự hỗ trợ giữa các chính sách BHXH nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ theo Nghị quyết 28-NQ/TW. Trong đó, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng.

Cụ thể, trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật BHXH năm 2024 là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi).

Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đồng thời bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản như bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng BHYT.

Khoản trợ cấp này bình đẳng cho mọi người theo tuổi đời, trừ những người có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH. Dù số tiền không nhiều nhưng vô cùng ý nghĩa và là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho những người bước qua tuổi xế chiều. Họ cảm nhận được sự quan tâm của Nhà nước với bản thân mình, cảm nhận sự ấm áp, an tâm hơn.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa hạ thấp tuổi nhận trợ cấp xã hội hơn thì rõ ràng số người khi hết tuổi lao động đến lúc đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội vẫn còn một khoảng cách khá xa. Nếu theo quy định hiện hành, năm 2025, một công dân đủ tuổi nghỉ hưu phải chờ đến 13 năm 9 tháng đối với nam và 18 năm 4 tháng đối với nữ mới đủ tuổi để hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội (tính năm 2025, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng và của nữ là 56 tuổi 8 tháng).

Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định theo thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, người lao động được ngân sách nhà nước đóng BHYT; khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và được hưởng một lần trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện.

Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có thời gian tham gia BHXH ngắn và hạn chế việc rút BHXH một lần phục vụ cho lợi ích trước mắt.

Luật BHXH năm 2024 được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

QUANG PHƯƠNG

(Bảo hiểm xã hội tỉnh)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/321844/tinh-uu-viet-cua-lien-ket-tang-trong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.html