Tỉnh ủy Khánh Hòa giao UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân vụ san hô chết hàng loạt
Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục; báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 19.6.2022.
Vừa qua, báo chí liên tục phản ánh về hệ sinh thái dưới đáy biển Hòn Mun (Nha Trang, Khánh Hòa) trong tình trạng tan hoang. Vùng san hô rộng lớn, quý hiếm dưới đáy biển bị chết, phủ một lớp trắng hàng trăm mét vuông. Cùng với đó, nhiều san hô bị chết nổi trên mặt nước, rồi bị sóng biển đánh dạt vào bờ.
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ra công văn Số 1497 -CV/TU giải quyết thông tin báo chí phản ánh. Công văn nêu:
"Qua thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, thành phố Nha Trang. Tiếp theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 330-TB/TU, ngày 6.6.2022 và chỉ đạo tại giao ban tuần ngày 10.6.2022, Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến như sau:
Giao UBND tỉnh chỉ đạo việc kiểm tra làm rõ trước những nội dụng báo chí nêu, từ đó đánh giá thực chất tình trạng công tác bảo tồn rạn san hộ tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục; báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 19.6.2022".
UBND TP.Nha Trang cho biết đã giao Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang làm việc với các nhà khoa học, chuyên môn nghiên cứu để xác định nguyên nhân và tìm phương án phục hồi rạn san hô và hệ sinh thái tại vịnh Nha Trang.
Trước đó, ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng BQL vịnh Nha Trang giải thích sự suy thoái rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố tác động. Trong đó, các yếu tố như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hệ sinh thái. Tuy nhiên, các yếu tố trên lại mang tính khách quan, toàn cầu, rất khó kiểm soát, điều chỉnh.
Theo ông Thái, khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô (coral bleaching) đã gây những tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái rạn san hô trên toàn thế giới trong vài thập niên gần đây. Đối với vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy, tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%. Để rút ngắn thời gian phục hồi (ước tính phải 10 năm), trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các công tác bảo tồn biển; nâng cao nhận thức, khả năng của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị vịnh Nha Trang.