Tỉnh ủy Tây Ninh sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI
Sáng 19.9, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là nghị quyết Đại hội XI) dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Trung ương Đảng thường trực khu vực phía Nam; các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các Ban chuyên trách HĐND tỉnh và thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy.
Dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội XI do Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng trình bày.
Nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội XI được triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với cả nước, tỉnh đối mặt với đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội, cả hệ thống chính trị duy trì trạng thái hoạt động cơ bản để phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe người dân.
Tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, sự suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng. Một số nội dung, nhiệm vụ liên kết vùng bước đầu kết quả chưa rõ nét. Quy mô kinh tế nhỏ, nguồn lực chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sau đại dịch...
Theo dự thảo báo cáo của Tỉnh ủy, với 24 chỉ tiêu chủ yếu được Nghị quyết đại hội đề ra, qua đánh giá nửa nhiệm kỳ các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội, môi trường, xây dựng đảng đã đạt được trên 50% nhiệm vụ, khả năng cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đến nay còn nhiều khó khăn, khả năng hoàn thành là một thách thức rất lớn, như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,72% (NQ: 7,5%); thu nhập bình quân đầu người đạt 33,1% so mục tiêu Nghị quyết; chỉ số sản xuất công nghiệp đạt khoảng 9% so mục tiêu 15,5%.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Về xây dựng Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra 4 chỉ tiêu, kết quả thực hiện đạt 4/4 chỉ tiêu. Cụ thể, cụ thể: tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 96,9% (Nghị quyết: 85%). Tỷ lệ Đảng bộ xã biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 98,33% (Nghị quyết: 90%).
Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đạt 97,24% (Nghị quyết: 90%). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được được 3.105 đảng viên, chiếm 64,29% (Nghị quyết 4.830), nâng tỷ lệ đảng viên so với dân số toàn tỉnh lên 3,24% (Nghị quyết 3,4%); riêng 20 xã biên giới kết nạp 321 đảng viên, chiếm 65,51% (Nghị quyết 490), tỷ lệ đạt 2,18% so với dân số (Nghị quyết 2,1%).
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng thông qua dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI.
Trên cơ sở kiểm điểm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua nửa nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến cuối nhiệm kỳ.
Tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Tây Ninh, nhất là chỉ tiêu đất khu công nghiệp tại kỳ rà soát, điều chỉnh năm 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tăng tốc của những năm cuối nhiệm kỳ và cho các giai đoạn tiếp theo; kiến nghị Trung ương cho chủ trương tỉnh Tây Ninh nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo Tờ trình số 43-TTr/TU, ngày 24.7.2023.
Phần thảo luận do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm trực tiếp điều hành. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh tinh thần của hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ là tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ một cách thực chất, khách quan, toàn diện, đề ra giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội XI. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, đại biểu thảo luận cần đi thẳng vào vấn đề, tập trung phân tích làm sâu sắc hơn các giải pháp trong thời gian tới.
Ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh điều hành phần thảo luận về phát triển KT-XH.
Trong phần thảo luận nhóm vấn đề KT-XH, đại biểu tập trung thảo luận xác định rõ động lực tăng trưởng của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; cơ hội, tiềm năng khi đẩy mạnh liên kết vùng Đông Nam Bộ; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn.
Nhóm nội dung thảo luận thứ hai về công tác công tác xây dựng Đảng sẽ tập trung thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức, cán bộ; tuyên giáo; dân vận; nội chính.
11 nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu từ nay đến cuối nhiệm kỳ:
1. Tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án tại Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 15/10/2021 của Tỉnh ủy, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
2. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cải thiện tính năng động và tiên phong của chính quyền xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có ý thức kỷ luật, sự quyết tâm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì sự phát triển của địa phương; kịp thời thay đổi vị trí, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý vô cảm, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, thiếu quyết liệt, vì sự phát triển chung của địa phương.
3. Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp đột phá, chiến lược.
4. Triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ; xây dựng môi trường đầu tư công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh cao.
6. Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế hợp tác, hợp tác xã để doanh nghiệp phục hồi nhanh, sản xuất hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu ngân sách nhà nước.
7. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
8. Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.
9. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - du lịch) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
10. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương.
11. Tập trung công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của dân vận, Mặt trận Tổ quốc cà các tổ chức chính trị - xã hội.