Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kết luận về các nội dung liên quan đến đầu tư công

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa có Kết luận số 174-KL/TU sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp bàn, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và một số nội dung liên quan đến đầu tư công.

Dự án cầu vượt đường sắt tại nút giao đường Nguyễn Tất Thành một trong những dự án sử dụng vốn đầu tư công đang tiến hành các công đoạn hoàn tất để khánh thành đưa vào sử dụng. Ảnh Lương Giang.

Dự án cầu vượt đường sắt tại nút giao đường Nguyễn Tất Thành một trong những dự án sử dụng vốn đầu tư công đang tiến hành các công đoạn hoàn tất để khánh thành đưa vào sử dụng. Ảnh Lương Giang.

Kinh tế Vĩnh Phúc phục hồi tăng trưởng

Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, tình hình kinh tế tại địa phương đã có sự phục hồi, tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý 3 đạt 10,62%, đứng thứ 2 trong vùng và thứ 10 cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 7,95%.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của tỉnh Vĩnh Phúc 9 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 507,94 triệu USD, vượt so với mục tiêu kế hoạch năm. Ảnh: Lương Giang

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của tỉnh Vĩnh Phúc 9 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 507,94 triệu USD, vượt so với mục tiêu kế hoạch năm. Ảnh: Lương Giang

Các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất linh kiện điện tử tăng 16,60%, ngành sản xuất xe máy tăng 8,03% tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh. Ngành sản xuất ô tô ghi nhận dấu hiệu phục hồi khi sản lượng xe, các sản phẩm linh kiện, phụ tùng tăng đều qua các quý.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ước tính đạt 507,94 triệu USD, vượt so với mục tiêu kế hoạch năm dự tính đạt mức thu hút 400 triệu USD.

Thu ngân sách ước tính đạt 20.535 tỷ đồng, bằng 64,60% dự toán, tăng 8,30% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, thu nội địa đạt 16.860 tỷ đồng, bằng 63,90% dự toán và tăng 9,80% so với cùng kỳ năm trước).

Kết luận về một số nội dung liên quan đến đầu tư công

Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết đã thống nhất chủ trương đối với các nội dung liên quan đến đầu tư công được nêu tại Tờ trình số 123-TTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kèm theo các tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc gồm:

Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đợt 10; phân bổ kế hoạch đầu tư công ngân sách nhà nước địa phương năm 2024, đợt 3; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trong nội bộ các dự án do một số cơ quan, đơn vị làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong nội dung kết luận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc cũng lưu ý, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh không cho ý kiến về danh mục công trình, dự án và mức độ cụ thể; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, hợp lý, hợp pháp của các thông tin, số liệu, căn cứ, lý do có liên quan đến các nội dung đã trình.

Dự án sửa chữa, nâng cấp QL2 đoạn từ Phúc Yên đến Vĩnh Yên do Bộ GTVT triển khai đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ảnh: Sỹ Hào

Dự án sửa chữa, nâng cấp QL2 đoạn từ Phúc Yên đến Vĩnh Yên do Bộ GTVT triển khai đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ảnh: Sỹ Hào

Khi tổ chức thực hiện, yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc phải đảm bảo tuân thủ đúng các nguyên tắc, trường hợp, điều kiện được điều chỉnh, giao vốn kế hoạch đầu tư trung hạn và phân bổ, giao vốn đầu tư công của năm theo kế hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trường hợp không bảo đảm cần kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho ý kiến.

Giao đủ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm theo đúng nguyên tắc quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước. Không để xảy ra việc đầu tư không đạt được mục tiêu, hiệu quả do thiếu vốn đối với các dự án đã khởi công.

Khi cần thiết thực hiện cắt, giảm vốn các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cần có nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các dự án mới thực sự cần thiết, cấp bách thì vẫn tiếp tục bố trí vốn để triển khai thực hiện (lưu ý các dự án được cử tri, Nhân dân và các địa phương kiến nghị).

Chịu trách nhiệm rà soát, xác định kỹ danh mục các dự án và mức vốn dự kiến giao vốn, bố trí vốn, điều chuyển vốn hoặc cắt, giảm vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên cơ sở phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật có liên quan.

Không để xảy ra tình trạng có vốn nhưng không đưa vào sử dụng, vốn bố trí không đúng nhưng chưa được thu hồi, hoặc dự án thiếu vốn nhưng lại không giải ngân hết… gây tồn đọng hoặc thất thoát, lãng phí nguồn lực.

Tính đến ngày 15/9/2024, tổng vốn giải ngân đầu tư công toàn tỉnh đạt 3.998,668 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 48,4% tổng số vốn kế hoạch (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài). Trong đó, vốn do cấp tỉnh quản lý đạt 1.568,612 tỷ đồng, bằng 32,5% kế hoạch giao; vốn do cấp huyện, xã quản lý đạt 2.430,056 tỷ đồng, bằng 70,8% kế hoạch do tỉnh giao.

Kết quả giải ngân trên được cho là chậm. Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tinh-uy-vinh-phuc-ket-luan-ve-cac-noi-dung-lien-quan-den-dau-tu-cong.html