Tình xưa, cho đến muôn đời…
Chỉ một chữ tình mà nói hoài không hết bởi mỗi người quan niệm một phách. Nào là, tình phải ồn ào từ hoa hồng, chocolate cho đến quần áo hàng hiệu, kim cương, xe hơi đắt đỏ…
Điểm lại, hình như một năm chúng ta có rất nhiều ngày để biểu hiện tình yêu: Ngày lễ Tình nhân 14.2, Ngày của cha, Ngày của mẹ, Ngày quốc tế Phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam… Mỗi ngày đều ướp đầy hương hoa hồng, chocolate và nhiều thứ hương ngọt ngào khác. “Tình” là chuyện muôn đời xưa và mãi mãi đến mai sau.
Chỉ một chữ tình mà nói hoài không hết bởi mỗi người quan niệm một phách. Nào là, tình phải ồn ào từ hoa hồng, chocolate cho đến quần áo hàng hiệu, kim cương, xe hơi đắt đỏ… Nào là, tình phải nhẹ nhàng ánh nến, nhẹ nhàng nắm tay nhau ngắm hoàng hôn… Sao cũng được, sao cũng đúng. Bởi, tình mà, có ai giống ai đâu.
Chỉ là, tôi hay thương thương nhớ nhớ những chuyện tình đã được gặp, được nghe, mà đúng hơn, là những chuyện tình xưa cũ. Ví như một tết mấy năm trước, tôi đi mua hoa ở cửa hàng trên đường LLQ. Cửa hàng tết chật chội những chậu hoa, bao phân, chai lọ. Người mua phải len qua lách lại để xem hàng. Vậy mà có đôi “người tình” nọ, già ngắc, chắc đã bảy, tám chục tuổi. Bà bại liệt ngồi xe lăn, ông đẩy xe chậm chạp len lỏi qua những hàng hoa.
Cả buổi trời chỉ mua vài chậu, có lẽ chủ yếu cho bà ngắm nghía hoa là chính. Tôi đứng ngoài nhìn họ cười cười thú vị thì nghe anh tài xế của ông bà kể: Ổng bả sống bên Pháp, tết mới về chơi. Ông già chiều vợ lắm. Tôi tưởng anh ta là con hay cháu ông bà, nhưng không, chỉ là tài xế họ thuê khi về Việt Nam.
“Ổng bả không có con, về Việt Nam cũng không thấy con cháu”- anh tài xế còn nhiều chuyện. “Năm nào cũng thấy đi xem chợ hoa, bà già thích hoa lắm”. Loanh quanh một lát thấy ông đẩy xe lăn ra ngoài, nhẹ nhàng bế bà lên ô tô. Chiếc xe từ từ lăn bánh.
Tôi nheo mắt nhìn theo: Tình đấy, cho đến cuối đời!
Lại nhớ có lần ghé quán ăn trong con hẻm nhỏ. Quán vườn nhiều cây xanh, trông như một mái nhà quê. Trong quán có đôi vợ chồng, là dân kháng chiến. Bà lúc đó bị tai biến, liệt một bên thân nên đi lại khó khăn dù vẫn ăn nói rổn rảng. Ông lại khỏe mạnh, phong độ. Nghe kể, hồi trẻ ổng “quậy” lắm.
Giang hồ tứ hải quanh năm suốt tháng, thi thoảng mỏi gối chồn chân mới trở về “nạp năng lượng” rồi lại lên đường, chẳng màng vợ con ở nhà ra sao. Nhiều người thắc mắc: Gặp tui là bỏ ổng mất đất rồi, sao bà Bảy chịu được hay vậy? Bà chỉ cười.
Vậy rồi, bỗng dưng một cơn tai biến ập xuống bà. Hay tin, ông lập tức trở về, không đi đâu nữa. Chuyện giang hồ xưa chỉ như chuyện đùa lúc “trà dư tửu hậu”. Ông bà vẫn vậy, vui vẻ cười đùa, bình thản nói chuyện.
Cũng là tình đấy thôi, nghĩa trọng ân sâu!
Nhưng có một chuyện từ rất nhiều năm trước khiến tôi nhớ mãi. Lúc đó mới vào làm Hội Phụ nữ, tôi thường tham gia phục vụ các cô chú về hưu, hay đã từng tham gia kháng chiến nay về thăm chiến trường xưa, gọi là về nguồn.
Năm đó, có một đoàn cán bộ ở miền Tây về nguồn, đến thăm Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Tôi cũng đi phục vụ. Các cô chú là cán bộ, đa số thương binh nhưng vẫn khỏe mạnh minh mẫn nên họ nói cười rất vui vẻ.
Trong đoàn có một cô, dáng người nhỏ nhắn, gương mặt rất cương nghị. Cô ít nói, chỉ lặng lẽ, chầm chậm đi tham quan với mọi người. Đến một điểm dừng, hình như nhà bác Nguyễn Văn Linh, cô cũng lặng lẽ như vậy, ngó mông lung vào trong rừng già như tìm kiếm bóng hình ai đó.
Thấy tôi nhìn, cô cười. Tôi hơi bối rối nên hỏi: Hồi đó chắc cô công tác trong này hả cô? (đoàn tham quan đều là cán bộ từng chiến đấu trên R). Cô lại cười: Ừ! Im lặng một lúc, cô nói tiếp: Hồi đó cô làm giao liên, chịu trách nhiệm đưa tin tức mật từ đô thành về báo cáo cho lãnh đạo.
(Cô lại im lặng, nhưng chắc do tôi quá chăm chú lắng nghe, hay cô đang trùng trùng nỗi nhớ nên lời kể cứ từng đoạn từng đoạn ngắt quãng rồi lại tiếp tục).
Giao liên quan trọng lắm. Người giao liên không chỉ gan dạ, dũng cảm mà còn phải sáng ý. Mọi thông tin giao liên nắm được đều không được ghi ra giấy mà buộc phải học, nhớ từng câu từng chữ, không được bỏ sót từ nào.
Mang thông tin trong đầu rồi tìm mọi cách vượt qua lưới địch về báo cáo cho lãnh đạo duy nhất, không có người thứ hai được biết, như vậy mới bảo đảm bí mật. Nhưng lần đó, trên đường về cứ cô dính phải nhiều trận mưa nên bị cảm sốt. Dù vẫn báo cáo đầy đủ chi tiết cho lãnh đạo nhưng sau đó cô bị sốt quá cao, trong cơn mê sảng cứ bật người dậy nói ra hết toàn bộ nội dung thông tin mật.
Đó là chuyện không thể để xảy ra. Cũng có nghĩa là không thể có bác sĩ, y tá đến chữa trị dù tính mạng cô đang lâm nguy vì sẽ có người thứ ba nghe được bí mật. Đây là chuyện người giao liên đã biết rõ từ trước, nên vào những lúc tỉnh táo, cô cứ nài nỉ xin cho mình được hy sinh.
Nhưng may lúc đó người yêu cô- cũng là một giao liên, đang có mặt tại R. Chú là người thân duy nhất của cô lúc bấy giờ. Biết chuyện, chú xin đem cô xuống hầm, ở bên cô cho đến lúc cô mất và bảo đảm không để lộ thông tin.
“Nói ngắn vậy nhưng chuyện dài lắm, chiến tranh mà, tụi con sống trong thời bình nên có thể không hiểu hết đâu”- cô mỉm cười- “Lúc đó cô không biết, sau mới nghe chú kể lại.
May nhờ chú gan dạ lại hết lòng, lãnh đạo lại thương lính, cô mới sống sót. Đó là sự sống rất thần kỳ của cô”. “Chú có đi cùng cô hôm nay không cô?”. “Không! Vì chú đang ở đây, trong căn cứ này. Mấy tháng sau khi cô khỏi bệnh, thông tin được giải mật, cô chú được cấp trên cho phép kết hôn, nhưng chưa kịp cưới thì chú hy sinh”.
Câu chuyện tới đó đột ngột dừng lại, tôi và cô đều im lặng, cùng nhìn vào rừng. Từ đó đến khi cô cùng đoàn ra về tôi không có dịp nói chuyện với cô, chỉ thỉnh thoảng nhìn, lần nào cũng thấy cô nhìn lại và mỉm cười nhẹ nhàng.
Tôi không biết cô lúc đó làm ở cơ quan gì, tên của cô tôi cũng quên rồi, cả gương mặt giờ chỉ còn bàng bạc trong ký ức. Tôi chỉ nhớ một dáng người nhỏ nhắn trong bộ bà ba đen cùng ánh mắt nhẹ nhàng. Nhưng cương nghị! Ánh mắt của những người không bao giờ khuất phục nghịch cảnh.
Tôi không biết chú hy sinh ở đâu, trong trận đánh nào vì không hỏi. Nhưng từ câu chuyện của cô, ánh mắt của cô, tôi hình dung ra chú- người yêu cô hết lòng, chắc chắn đó cũng phải là người chiến sĩ kiên cường, bản lĩnh.
Chuyện tình của cô và chú, dù không có cái hậu cho riêng mình, nhưng đã góp phần dệt nên cái kết huy hoàng cho toàn dân tộc.
Đó mới là tình, vị quốc vong thân!
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tinh-xua-cho-den-muon-doi--a147861.html