Tình yêu biển đảo của một người Việt ở Angola

Đó là anh Lê Hồng Quân, Ủy viên Hội người Việt Nam tại Angola, người đồng sáng lập Quỹ 'Hành trình của trái tim' với nhiều dự án lan tỏa tình yêu biển đảo đến kiều bào trên toàn thế giới.

Anh Lê Hồng Quân trao tặng mô hình “Cột mốc chủ quyền biển đảo” cho Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh Lê Hồng Quân trao tặng mô hình “Cột mốc chủ quyền biển đảo” cho Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh ra tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, Lê Hồng Quân ngỡ tưởng mình sẽ gắn bó lâu dài với công việc đúng chuyên ngành tại Việt Nam.

Năm 2003, khát khao được đoàn tụ với mẹ anh – một chuyên gia y tế đang hỗ trợ Angola đã dẫn lối cho Lê Hồng Quân trở thành chuyên gia công nghệ thông tin về dầu khí của một doanh nghiệp tại quốc gia châu Phi này.

Định vị thương hiệu Việt trên đất Angola

Một năm sau, Lê Hồng Quân mở Công ty thương mại Domingos António Commercial chuyên đầu tư tư nhân trực tiếp tại đây, kinh doanh những mảng ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, dịch vụ di trú và du lịch.

“Trên hành trình định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên đất khách, tôi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, lấy chữ tín là vũ khí cạnh tranh và bảo vệ chữ tín như bảo vệ danh dự cá nhân, danh dự doanh nghiệp, danh dự đất nước.

Từ đó, tạo ra những giá trị vượt trội ngoài sự mong đợi của khách hàng. Chính điều đó giúp công ty đứng vững tại thị trường Angola gần 20 năm”.

Cùng với phát triển doanh nghiệp, Lê Hồng Quân còn tham gia hỗ trợ kỹ thuật rồi phụ trách quản trị các trang thông tin và là ủy viên phụ trách truyền thông Hội người Việt tại Angola.

Với những hoạt động tích cực cho cộng đồng cùng với những thành tựu cá nhân, năm 2015, tại Angola, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Anh Lê Hồng Quân nhận giải Sáng kiến tại Lễ trao giải Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại 2020 với Dự án Lịch Trường Sa - Nhà giàn DK1 “Hành trình của trái tim”.

Anh Lê Hồng Quân nhận giải Sáng kiến tại Lễ trao giải Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại 2020 với Dự án Lịch Trường Sa - Nhà giàn DK1 “Hành trình của trái tim”.

Lan tỏa tình yêu biển đảo

Hoạt động trong Hội người Việt tại Angola là cơ hội và cơ duyên giúp anh trở thành đại diện đầu tiên của kiều bào tại Angola nói riêng, châu Phi nói chung có mặt trên hành trình thăm quân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của đoàn kiều bào tiêu biểu năm 2017.

Anh tâm sự: “Như tất cả những người dân Việt Nam và đặc biệt hơn là người Việt viễn xứ, tôi quan tâm nhiều đến đất nước mình, đến sự phát triển và những cải thiện trong cuộc sống hằng ngày ở các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo của Việt Nam.

Trước đây, chúng tôi chỉ nghe về Trường Sa qua sách báo, mạng Internet. Qua chuyến đi này, chúng tôi được trực tiếp chứng kiến sức sống mãnh liệt của Trường Sa dưới sự khắc nghiệt của thời tiết. Đặt chân đến Trường Sa, chúng tôi ngạc nhiên bởi cơ ngơi, vật chất khang trang tại các điểm đảo, khác xa với những tưởng tượng trước đó.

Chúng tôi mang theo những tình cảm của bà con người Việt tại Angola gửi tới cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại Trường Sa và nhà giàn DK1. Tôi vô cùng xúc động trước tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ tại các điểm đảo”.

Cảm phục sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ hải quân, năm 2018, Lê Hồng Quân trở về nước và sáng lập “Dự án Lịch Trường Sa Nhà giàn DK1, hành trình của trái tim” với khát khao lan tỏa mạnh mẽ những hình ảnh của biển đảo Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Anh sáng lập quỹ “Hành trình của trái tim” để góp phần bảo vệ biển đảo và chăm lo hậu phương người lính biển. Đến nay, dự án xuất bản gần 20.000 cuốn lịch giấy (để bàn và treo tường) với hình ảnh về các đảo thuộc Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Những cuốn lịch này đến tay nhiều cá nhân, tổ chức trong nước, đặc biệt là bà con Việt kiều tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Anh, Nga, Đức, Ba Lan, Algeria, Ukraine, Đài Loan (Trung Quốc)… Lợi nhuận thu được thông qua việc in và bán lịch được nhóm dự án dùng để chăm lo cho hậu phương của những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác biển trời thiêng liêng của Tổ quốc ngoài quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Dự án đã cấp hàng trăm suất học bổng cho con của các chiến sĩ Trường Sa, hỗ trợ nhiều con em gia đình cán bộ chiến sĩ tìm được mạnh thường quân để khám chữa bệnh, cơ hội việc làm, trang thiết bị học tập.

Món quà tuy nhỏ bé nhưng là một dự án vừa mang tính xã hội, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, qua đó khơi dậy lòng yêu nước cũng như tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ năm 2019 đến nay, dự án đã triển khai đồng thời lịch giấy và lịch trên nền tảng số. Ứng dụng “Lịch Trường Sa” sẽ lan tỏa những hình ảnh đó một cách nhanh hơn, chính xác và rộng rãi đối với người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Theo anh, những hình ảnh, thông điệp về biển đảo mang màu sắc, góc nhìn của người Việt Nam ở nước ngoài, đó là góc nhìn sát thực vào đời sống. Đồng thời, lịch góp phần tuyên truyền tốt hơn đối tượng tiếp cận ở nước ngoài.

Năm 2020, Lê Hồng Quân đã nhận giải Sáng kiến tại Lễ trao giải Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại cho Dự án Lịch Trường Sa - Nhà giàn DK1 “Hành trình của trái tim”.

Anh trải lòng: “Điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là những người lính đảo được quan tâm nhiều hơn, các em nhỏ và người dân trên khắp đất nước biết rằng, ngoài khơi xa, đang có những người lính hy sinh vì bình yên Tổ quốc. Từ đó, mỗi người có khát khao, hoài bão, nỗ lực học tập, cống hiến, trở thành người có ích cho xã hội”.

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Việt Nam, năm 2021, anh Quân đã chuyển từ Hà Nội mô hình “Cột mốc chủ quyền biển đảo” trao tặng Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh góp phần củng cố tình yêu đối với biển đảo quê hương, làm cho “Hành trình của trái tim” ngày càng thêm ý nghĩa cũng như góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh Lê Hồng Quân tặng Lịch Trường Sa cho đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Anh Lê Hồng Quân tặng Lịch Trường Sa cho đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Mong làm cầu nối Việt Nam-châu Phi

Gắn bó với mảnh đất châu Phi gần 20 năm, nên mong ước lớn nhất của doanh nhân Lê Hồng Quân là làm cầu nối để tăng cường hiểu biết và đưa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi tìm hiểu thị trường của nhau.

Chính vì thế, trong vai trò là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ kết nối doanh nhân Việt Nam - quốc tế (VIENC) phụ trách châu Phi, kiều bào Lê Hồng Quân đã kết nối để ký kết hợp tác chiến lược giữa VIENC với các phòng thương mại và công nghiệp của các nước khu vực châu Phi.

Anh cho biết, cộng đồng người Việt tại Angola hiện có khoảng 20 nghìn người, “sống ở tất cả các tỉnh thành, phân bố tới tận các xã, huyện. Đây chính là những người quảng bá, kết nối, thúc đẩy thương mại hai nước. Ngoài ra, nhu cầu hàng hóa, kỹ thuật và giá cả của người Angola rất phù hợp với trình độ, sản phẩm của Việt Nam”.

Đánh giá “thị trường châu Phi là một thị trường trẻ, mở, tuy không giàu có nhưng có sức tiêu thụ lớn, sản phẩm châu Á, trong đó có Việt Nam đa dạng được ưu chuộng tại châu Phi”, anh Lê Hồng Quân “mong muốn góp phần kết nối giữa hai đất nước ngày một phát triển hơn”.

BẢO ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-yeu-bien-dao-cua-mot-nguoi-viet-o-angola-215961.html