Tình yêu bóng đá ở làng Chăm

Những năm qua, phong trào bóng đá trong cộng đồng người Chăm ở xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) phát triển khá mạnh với nhiều sân chơi hấp dẫn. Qua đó, đã góp phần đa dạng hóa đời sống thể thao tại địa phương, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng chung tay xây dựng quê hương.

Khi các hoạt động thể thao đã trở lại sau dịch bệnh Covid-19 thì Giải bóng đá dân tộc Chăm xã Khánh Hòa năm 2020 được đông đảo thanh niên địa phương hào hứng đón nhận.

Ông Mohamed A Ry Fine (thành viên ban tổ chức giải) cho biết: “Giải bóng đá dân tộc Chăm xã Khánh Hòa nhằm chào mừng hoàn thành tháng chay Ramadan. Chính niềm đam mê cuồng nhiệt của mọi người đã giúp cho giải đấu ngày càng phát triển về quy mô, chất lượng và thu hút nhiều đội bóng từ địa phương khác đến tham gia với tinh thần đoàn kết, vui tươi”.

Giải bóng đá dân tộc Chăm xã Khánh Hòa năm nay có 8 đội bóng tham dự, gồm: 5 đội bóng do cộng đồng người Chăm tại địa phương hình thành, đội Ashar cùng đội Roky Yah đến từ làng Chăm xã Châu Phong (TX. Tân Châu) và đội bóng khách mời Công an xã Khánh Hòa.

Trên tinh thần giao lưu, các đội đã cống hiến cho khán giả những trận cầu hấp dẫn, hào hứng. Ban Tổ chức cũng đề cao tinh thần đoàn kết với thành phần các đội dự giải, bởi bóng đá đều dành cho tất cả mọi người.

Ông A Ry Fine cho hay, cứ đến thời điểm sau tháng Ramadan mà không thấy địa phương tổ chức giải bóng đá truyền thống này thì anh em sẽ “nhắc nhở” ngay. Từ sự đóng góp của các đội bóng, cộng đồng người Chăm địa phương cùng nguồn kinh phí hỗ trợ bởi UBND xã Khánh Hòa, giải đấu đã được tổ chức đều đặn 15 năm nay và trở thành hoạt động thể thao tiêu biểu cho làng Chăm ở Khánh Hòa.

Các đội bóng đã cống hiến cho khán giả những trận cầu hấp dẫn

Ông A Ry Fine khẳng định, cộng đồng người Chăm ở Khánh Hòa vốn rất mê bóng đá. Những thanh niên người Chăm, người Kinh thường tham gia chơi bóng hàng ngày tại sân vận động của xã để thỏa mãn niềm đam mê với quả bóng tròn.

Ngoài Giải bóng đá chào mừng hoàn thành tháng Ramadan, cộng đồng người Chăm ở Khánh Hòa còn có Giải bóng đá tứ hùng cũng trở thành truyền thống với sự tham dự của đội Roky Yah ở xã Châu Phong, đội bóng người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh, đội bóng Công an xã Khánh Hòa và đội bóng người Chăm ở Khánh Hòa.

Để các trận đấu thể hiện đúng tinh thần fair-play, ban tổ chức giải yêu cầu lãnh đạo các đội phải đề cao tính đoàn kết, giao lưu đến từng cầu thủ và không đặt nặng yếu tố thắng - thua.

“Sẽ không thể tránh khỏi những va chạm trong các trận đấu nhưng anh em đều vui vẻ bắt tay nhau sau tình huống đó. Hơn nữa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Châu Phú hỗ trợ chúng tôi về công tác chuyên môn, đội ngũ trọng tài nên chất lượng giải đấu được nâng cao qua các lần tổ chức. Những đội bóng có tinh thần thi đấu thiếu fair-play, chúng tôi tuyệt đối không mời tham dự vào những lần tiếp theo. Nhờ đó, các giải bóng đá tại làng Chăm xã Khánh Hòa đều hào hứng, hấp dẫn và nhận được sử ủng hộ nhiệt tình của người dân!” - ông A Ry Fine thông tin.

Bên cạnh các giải bóng đá tại địa phương, cộng đồng người Chăm ở Khánh Hòa cũng tham gia giao lưu với các làng Chăm khác trong tỉnh. Ngoài thanh, thiếu niên thì làng Chăm này còn tổ chức đội bóng “lão tướng” gồm những thành viên từ 38 tuổi trở lên để thi đấu giao hữu với các nơi khác. Đó là điều tích cực, cho thấy đời sống bóng đá khá hào hứng của cộng đồng người Chăm ở Khánh Hòa.

Để tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người Chăm tại Khánh Hòa tiếp tục nâng cao, cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ địa phương và ngành chuyên môn nhiều hơn nhằm đưa phong trào ngày càng phát triển. Đây là cơ sở để Khánh Hòa xây dựng, phát triển phong trào thể thao trên tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng xứ cù lao ngày càng khởi sắc.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tinh-yeu-bong-da-o-lang-cham-a274382.html