Tình yêu nảy mầm từ lao động
Tòa soạn nhận được bài 'Tình yêu nảy mầm từ lao động' của nhà phê bình văn học Đặng Long Giang về bài thơ 'Em hái măng tứ quý' của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Về Cái Răng, ngắm nhìn tre Tứ Quý
Cây thẳng đứng, tán lá xanh dưới nắng
Giữa đồng ruộng, tre thẳng hàng tăm tắp
Tre vút cao trong miệt vườn và bên những dòng sông
Người xưa nói tre già, măng mọc
Nay măng nhú ngay bên gốc tre non
Em thoăn thoắt cắt gom từng đọt
Măng trắng nõn nà như cánh tay em!
Vị ngọt thơm nghi ngút mỗi bữa cơm
Cá lóc, cá linh nấu măng, Bà gật gù tấm tắc
Cháu rể tương lai quen nghề sông nước
Thương cháu gái mình đã hàng chục mùa trăng
Bà giục cả hai hãy chọn đầu xuân
Lễ thành hôn đúng mùa măng nở rộ
Cũng là lúc Bà 80 tuổi thọ
Khấp khởi ẵm ru đứa chắt đầu tiên!
Tháng 8/2023
Với nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, không ít các bài thơ của ông được hình thành từ những sự kiện vừa được xuất hiện trong đời sống thực tiễn ở một vùng đất cụ thể. Bài thơ “Em hái măng Tứ Quý” mới đây là một ví dụ tiêu biểu.
Ngay tên bài thơ đã gợi người đọc sự tò mò: sao có tên là lạ vậy? Xưa nay người đời thường chỉ gọi là măng trúc, măng mai (Miệng ăn măng trúc, măng mai/ Những giang cùng nứa, lấy ai bạn cùng).Vậy mà hôm nay xuất hiện một loại măng mang tên quý phái “măng Tứ Quý” đang được trồng lan rộng ở nhiều huyện ở đất Chín Rồng, mà huyện Cái Răng ở Thành phố Cần Thơ, là một trong những địa phương đi đầu, cuốn hút bà con nông dân trồng và phát triển loại măng từ cây tre lai giống, thân tre xanh thẳng vút, có thể trồng được ở nhiều địa hình khác nhau, mang lại nguồn thu hoạch lớn cho bà con nông dân từ việc bán măng tre cũng như sử dụng thân cây tre làm nhà hoặc chế biến thành các vật liệu đan lát các công cụ sinh hoạt hằng ngày.
Bài thơ ngắn chỉ có 4 đoạn với 16 câu nhưng “ít lời mà nhiều ý”. Ở khổ đầu, tác giả giới thiệu ngắn gọn “lai lịch” cây tre Tứ Quý: Về Cái Răng ngắm tre Tứ Quý/ Cây thẳng đứng tán lá xanh dưới nắng/ Giữa đồng ruộng, tre thẳng hàng tăm tắp/ Tre vút cao trong miệt vườn và bên những dòng sông. Khổ thơ nêu sự khác biệt so với các cây tre thường có là chỉ trồng trên đất đồng bằng hoặc trung du, nhưng loại tre này lại có thể sống ở những thửa ruộng xăm xắp nước, mà người trồng vun thành những vòm đất cao. Đó là sự sáng tạo của người nông dân ngày đêm gắn bó với cây và đất.
Khổ 2 và khổ 3 là sự xuất hiện của nhân vật “em” đang “thoăn thoắt cắt gom từng đọt/ Măng trắng nõn nà như cánh tay em”. Măng được nấu với cá lóc, cá linh thành món ăn đặc sản, mang vị ngọt thơm lan tỏa cả bữa cơm, làm cho bà tấm tắc khen ngon. Nhưng vị ngon được nhân lên gấp bội khi bà nghĩ về đứa cháu rể tương lai đang thả lưới quăng chài bắt cá trên các triền sông, đã từng hàng chục mùa trăng đắm đuối yêu thương cô cháu gái hái măng nền nã, có làn da trắng mịn. Bưng bát cơm chan canh măng nấu cá ngọt thơm, bà thầm mong vào đầu xuân tới, đám cưới của hai đứa cháu sẽ diễn ra “đúng mùa măng nở rộ/ Cũng là lúc bà 80 tuổi thọ/ Khấp khởi ẵm ru đứa chắt đầu tiên!” Đúng là một ước mong bình dị, nhưng rất đỗi thiêng liêng với người già đang tới thời điểm “nhắm mắt xuôi tay”. Hạnh phúc mang lại cho bà từ thành quả lao động sớm hôm của hai cháu, nhưng đó cũng là hạnh phúc của chính hai bạn trẻ đã được nảy nở từ tình yêu công việc bình dị, nơi đồng quê sông nước, tắm nắng gội mưa suốt bốn mùa. Viết đến đây tôi nhớ lại câu thơ của nhà thơ Dương Hương Ly đi tìm định nghĩa về hạnh phúc: “Hạnh phúc là gì đã bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài, mà tìm mãi vẫn không ra”. Và, tác giả đã tìm thấy hạnh phúc khi hai vợ chồng cùng bên nhau vượt Trường Sơn để tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước giành độc lập dân tộc. Đúng như Các Mác đã nói “Hạnh phúc là đấu tranh”; còn chúng ta có thể hiểu rộng ra là, hạnh phúc chỉ được tạo dựng trong lao động hằng ngày, đấu tranh vượt lên chính mình; vượt lên mọi thách đố của thiên nhiên ngiệt ngã.
Theo tôi, đây là “thông điệp” có ý nghĩa của bài thơ này. Theo đó, còn có một lời nhắn giữ của tác giả về đào tạo cán bộ hiện nay, không nhất thiết “chờ tre già, măng mới mọc”!
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tinh-yeu-nay-mam-tu-lao-dong-post261438.html