Tình yêu sâu đậm của Bác dành cho khúc hát dân ca
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, cả cuộc đời mình Bác đã hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, trước khi ra đi, Người chỉ có một ước nguyện dung dị duy nhất là muốn nghe một câu hò, điệu ví...mang theo âm hưởng của câu hát dân ca.
Đã hơn 50 năm trôi qua, kể từ khi được nghe tiếng hát của nghệ sỹ Song Thao với bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” trên sóng phát thanh vào những ngày tháng 9/1969 lịch sử, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, chúng tôi gặp lại NSƯT Song Thao, người từng 3 lần may mắn được gặp Bác và hai lần vinh dự được hát cho Bác nghe.
Sinh ra và lớn lên tại huyện lúa Yên Thành, tỉnh Nghệ An, NSƯT Song Thao xúc động chia sẻ về những kỷ niệm của nghiệp diễn, gian khổ, đắng cay, nhưng vinh quang cũng đáng để tự hào: 2 HCV toàn quốc, 1 HCB toàn quốc, được thưởng Huy hiệu Bác Hồ, được phong danh hiệu NSƯT năm 1984. Nhưng với bà, niềm tự hào lớn nhất là 3 lần được gặp Bác Hồ, được biểu diễn phục vụ Bác.
Bà bồi hồi nhớ về ký ức năm xưa: Tháng 12/1961, lần thứ hai khi Bác về thăm quê, Đoàn Văn công Nghệ An được biểu diễn cho Bác xem. Cuối năm 1961, tôi đang cùng anh chị em mang lời ca tiếng hát động viên công nhân xây dựng ở đập khe Gỗ xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Lúc đó, cả Đoàn đang luyện tập thì nhận được chỉ thị của Tỉnh ủy, đoàn văn công sẽ biểu diễn phục vụ vị lãnh đạo và muốn nghe dân ca Nghệ Tĩnh. Cả đoàn đều reo mừng, sung sướng, nhanh chóng về Vinh. Lúc bấy giờ đoàn văn công Nghệ An chủ yếu hát chèo, hát mới, diễn kịch, chỉ có một số người tập hát dân ca.
Nghệ sỹ ưu tú Song Thao chia sẻ về khoảnh khắc xúc động trong lần đầu tiên được gặp Bác, năm 1961. Ảnh: Phạm Ngân
Đến ngày diễn, cô gái Song Thao đang bận rộn với một bài thơ lục bát khá dài, tâm trạng lúc này rất khó tả, bà kể: “Tôi hồi hộp lắm, học và tập đến quên ăn, quên ngủ, nhưng vẫn chưa dám tin ở mình. Hơn 6h tối, xe đưa đoàn văn công đến hội trường Công an vũ trang tỉnh để chuẩn bị phục trang.
Đúng 7h tối, có tiếng còi ô tô. “Bác đến!", một thành viên trong đoàn kêu to, cả đoàn nín thở sau cánh gà nhìn dồn vào cửa hội trường. Thật bất ngờ, phút chốc Bác Hồ đã đến ngay bên cạnh đoàn văn công, nhẹ nhàng như một ông tiên có phép. Cả đoàn văn công đứng sững như tượng, thì ra Người đi vào từ cửa sau. Rất thoải mái Bác giơ tay chào, thăm hỏi sức khỏe từng người và căn dặn diễn cho tốt… Cử chỉ và lời nói của Người làm tâm trạng lo lắng, hồi hộp của cả đoàn lắng xuống.
Trong buổi diễn có thể nói các tiết mục dân ca được xem là “linh hồn”, được xếp vào giữa chương trình để có thời gian chuẩn bị. Nghệ sỹ ưu tú Song Thao vẫn nhớ rất rõ hôm đó: “Bước ra sân khấu, tôi cố lấy lại bình tĩnh, tự chủ hơn, tôi nhìn Bác, lại nhìn khán giả, tự nhiên cảm thấy một luồng động viên to lớn. Tôi bắt đầu hát, dường như tôi đã “đắm mình” trong làn điệu, đồng thời lại cố gắng nhìn Bác được rõ hơn”.
Tiết mục hát dân ca của bà và các nghệ sỹ làm Bác Hồ xúc động. Người rút khăn tay chấm nước mắt khi nghe tiếng hát khơi gợi thời xa xưa của mình, sau đó nói với ông Nguyễn Sĩ Quế, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc bấy giờ: “Nên khen các cháu hát dân ca, vì ngày xưa người ta chỉ hát ví ở sân nhà, ngoài đồng, trên sông. Nay các cháu đã mạnh dạn đưa lên sân khấu mà lại hát có tình có ý, nghe hay, có sáng tạo”.
Hôm ấy, sau khi buổi diễn kết thúc, cả đoàn văn công sung sướng ra sân khấu chào Hồ Chủ tịch. Người nhanh nhẹn bước lên sát sân khấu, giơ cao một chiếc lẵng mây, tươi cười: “Các cháu diễn tốt Bác thưởng kẹo, có thích ăn kẹo không?” cả đoàn đồng thanh: “Thưa Bác có ạ”. Mọi người vui vẻ đón nhận mòn quà nhỏ đầy ý nghĩa của người Cha già dân tộc.
Hai lần sau là vào năm 1965, NSƯT Song Thao đi hội diễn ca Liên hoan ca múa nhạc toàn miền Bắc, được vào Phủ Chủ tịch hát cho Bác nghe, được đi xem triển lãm cùng Bác tại khu Tràng Tiền. Để ra Hà Nội, bà cùng với 5 anh chị em trong đoàn đạp xe hai đêm từ huyện Thanh Chương ra. Bà cho biết, được ra biểu diễn cho Bác dù đi bộ hay đạp xe thì bà cũng không thấy mệt.
Sau đó vinh dự đến một lần nữa, bà có mặt là một trong bốn thành viên Đoàn Nghệ An và đoàn Hà Tĩnh ba người được mời vào Phủ Chủ tịch. Lần này, được gặp Bác ngay tại nơi Người ở và làm việc, thật vô cùng hạnh phúc.
“Hôm đó tôi thấy Bác xem và nghe hát những làn điệu quê hương mà rưng rưng nước mắt. Hát xong, mọi người được Bác chia kẹo và trò chuyện, giản dị, gần gũi như người cha”.- Bà kể. NSƯT Song Thao vẫn nhớ lời căn dặn của Bác: “Các cháu hát dân ca lời cổ, phải hiểu tấm lòng của tổ tiên, ông bà ta ngày trước…”.
Năm 1969, bà cùng các đoàn ra Hà Nội để luyện tập chương trình đi biểu diễn giao lưu ở nước ngoài với hy vọng được gặp Bác thì được tin Bác mất. Lúc đó, bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” được nhạc sỹ Đỗ Nhuận cải biên từ dân ca “Giận mà thương” của Nghệ Tĩnh hoàn thành đang tìm người hát. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã gặp Song Thao và hai người đã có 15 phút để trao đổi luyện tập, sau đó thu âm phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ngày đau thương ấy, bài hát do Song Thao thể hiện đã vang lên cùng nước mắt của biết bao người viếng Bác…
Trước lúc đi xa, Người mong muốn thế hệ sau hãy yêu lấy những khúc dân ca, từ đó trân trọng và giữ gìn bản sắc nền văn hóa dân tộc. Mong muốn giản dị mà sâu sắc ấy của Người, phần nào đã được hiện thực hóa khi dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh luôn có chỗ đứng quan trọng trong đời sống âm nhạc hiện đại và được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.