Tình yêu trong sáng và cô đơn trong thơ Như Bình
Osho, nhà huyền môn nổi tiếng của Ấn Độ nói: 'Tình yêu là vô nghĩa nếu bạn không yêu, khi bạn yêu, chỉ khi đó mới có ý nghĩa'. Câu ấy ám ảnh tôi khi chạm phải những bài thơ của Như Bình. Thế giới này sẽ vô nghĩa nếu con người không mang lại điều gì cho nhau. Tình yêu - một phạm trù lớn và sống còn của con người.
“Em không thể chạy đến tìm anh để nói với anh/ thật ra em rất cô đơn/ con thú hoang trong em rũ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng gục đầu thú tội/ em không thể chạy đến tìm anh để ngã/ vào cô đơn/ thêm một lần nữa” (Con thú). Hình như khi cầm bút, Như Bình chỉ ghi lại cảm xúc nào đấy trong sâu thẳm tâm hồn mình chứ không ý định sẽ làm thơ.
Những năm trước khá lâu, tôi đọc Như Bình trong trại viết văn Cửa Tùng. Cây bút trẻ giàu năng lượng, đầy hy vọng. Lòng thầm ước một ngày nào đó sẽ là cây xanh của vườn văn học. Như Bình viết truyện ngắn. Những truyện đầu tay của chị là cơn giông tố đầu đời. Bẵng mấy chục năm sau, bên cạnh gia tài văn xuôi của chị còn có thơ. Có phải chỉ có thơ mới giải phóng năng lượng trong con người hiền hậu và trầm tư này chăng? Đây là quan niệm sống đồng thời là tâm cảm của chị:
Những đốt xương nhắc em về nỗi đau
Lồng ngực rỗng phập phồng nhắc em về trái tim lưu lạc
Trái tim giờ không còn tha thiết nữa
Trong khuôn ngực rỗng tiếng giẫy giụa của thời gian
Anh yêu ơi điều gì đã xảy ra
Cơn trầm cảm nào đã biến hai ta thành những con rối đáng thương đau khổ
Chúng ta đã chơi một trò chơi định mệnh
Trò chơi của những kẻ thất bại ngay từ đầu
(Trầm cảm 1)
Ký ức, hay đó là thế giới thực tại chìm đắm trong tư duy thường trực của chị? Về giác độ y học, “trầm cảm” khác với thơ. Thơ là thế giới nội tâm có cái gì như mộng ảo. Khái niệm hiện thực trở nên xa vời với chị. Trong cuộc sống, trầm cảm là một trạng huống cô đơn, khổ đau; nhưng trong thơ nó làm phong phú thêm tinh thần sáng tạo. Chị luôn đi tìm và khát khao cái đẹp: “Em phải sống thế nào để bớt những dại khờ/ cả tin/ rồi ảo giác/ bớt yêu những gì tưởng chừng đã có/ ngoài kia mưa xóa dấu về”… (Em phải sống thế nào).
Lo âu, mặc cảm thường thấy nơi chị. Dằn vặt, trăn trở tưởng chừng là điệp khúc thường nhật của đời sống - một điểm mạnh thơ Như Bình. Như Bình coi thơ không như bao người suy nghĩ. Những thông điệp ẩn dụ của chị đưa ra như bức tranh lập thể, cho bạn đọc điểm sáng nào đấy. Một bức tranh vô hình đầy tính thời gian và không gian, không bị giới hạn nào chi phối:
Trong giấc mơ đêm qua tôi gặp lại cô bò
đôi mắt nàng nhìn tôi
ôi đôi mắt bò cái
nàng khóc hay tôi?
nước mắt sắc như thủy tinh lăn trên thảm nhung xanh bạt ngàn cỏ ngọt
lưỡi của nàng không thể chạm vào những lá cỏ mềm trên mặt đất
chân nàng không thể chạm cánh đồng
Những bản nhạc Chopin, Beethoven, Mozart như một sự tra tấn không dừng
giữa những lối đi hẹp bằng sắt lẫn phân của nàng tôi mơ về đồng cỏ biếc
giữa những vòi hút sữa khổng lồ như những cái miệng đen ngòm từ con bạch tuộc
tôi mơ về thảo nguyên tiếng bê con hí sữa váng vất chiều.
(Nàng bò cái)
“Nàng” đấy là tình yêu thánh thiện của con người. Nàng ở quanh mình, gần gũi và nhân ái. Vai trò của nghệ thuật nhằm nâng cao hơn nữa cái đẹp. Đọc bài thơ, với lối tư duy hình tượng lạ làm nên một hiện thực thứ hai. Đó là mã nghệ thuật, nếu không nói rất riêng của chị. Không phải những lộng ngôn sang trọng gì cả, Như Bình nói với “nàng bò cái” có những xao động, ám thị đến thân phận trong đời sống xã hội. Thơ chị, đằm đẹ nữ tính, đầy triết lý sống. Lối tư duy bản năng, dòng chảy trong thơ thông thoáng, không dành riêng cho ai cả mà ai cũng thấy bóng dáng của mình.
Đọc chị, làm người ta nhớ đến bài thơ viết về con bò của Exenhin: “Ảo não và buồn đau/ Cắm đôi sừng xuống đất/ Bò mẹ mơ rừng cây/ Những cánh đồng xanh ngắt”. Thì đây Như Bình hỏi “ôi đôi mắt bò cái/ nàng khóc hay tôi?/ nước mắt sắc như thủy tinh lăn trên thảm nhung xanh bạt ngàn cỏ ngọt/ lưỡi của nàng không thể chạm vào những lá cỏ mềm trên mặt đất/ chân nàng không thể chạm cánh đồng” (Nàng bò cái). Sự tương hợp và đồng cảm của các tâm hồn nhà thơ, là điều dễ hiểu.
Tâm thế ấy đã dẫn dắt thơ luôn đứng về phía nhân văn cao cả, cảnh báo những hiểm họa thường xuyên rình rập trong thế giới mà ta ký thác tình yêu mình vào đó. Ít ai gọi Như Bình là nhà thơ. Khi đọc những bài chị viết, đã cho thấy một nhà thơ tài hoa và đa cảm. Viết như nói, nhưng nói bằng những biểu tượng sắc sảo vượt ra ngoài sự viết, đấy là trời cho.
“Tảng đá đang thiền” là bài thơ có tứ độc đáo:
Đừng khóc nữa những tán cây
đêm qua có chú chim quên bay về tổ
mùa đông đến sớm rồi, gió và mưa tơi tả
thương chim non run rẩy cánh mềm
Đừng gọi nữa hỡi vọng câm
Hãy lặng yên tảng đá đang thiền.
Sự vật, thiên nhiên trong mắt các nhà thơ đều có sức sống. Con người và thiên nhiên nhập một. Chị nói “Đừng khóc nữa những tán cây”, hay “Đừng gọi nữa hỡi vọng câm” ta thấy cuộc đối thoại chỉ xảy ra khi tâm hồn thăng hoa trong vô thức. Vì thế vô thức, yếu tố phi lý mà rất có lý. Chủ nghĩa huyền ảo đã đặt công việc sáng tạo của nhà thơ lên hàng đầu. Đó là thế mạnh trong thế giới cô đơn của chị. Chị cô đơn nhưng không lạc lõng. Chị đã hoàn thiện chính mình. Một chuỗi bài thơ ra đời tạo nên gương mặt hoàn chỉnh.
Thơ giúp chị giải bày tâm trạng mà lâu nay nén lại chực bung ra. Ẩn ức sáng tạo là con đường thăng hoa của mọi thi sĩ. Và thi sĩ sẽ dâng cho đời những áng thơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát chính mình. Vô thức sáng tạo là thế. “Đôi khi em thật điên rồ/ ước muốn khỏa thân trong đất nâu yên lặng/ ai sẽ mở tiệc trên cơ thể em/ để chú dế con thôi gục đầu trên ngực em bật khóc/ Đôi khi em chẳng giống ai/ ước chân trần thật lâu trên bãi cát/ ai sẽ khai bữa tiệc trăng trên sóng dịu dàng/ sẽ hôn em những nụ hôn đẫm trăng ngời sáng” (Viết về cái chết 2). Ý nghĩ phồn thực, nhưng mang vẻ đẹp dịu dàng và trong trẻo.
Như Bình hiện thân người phụ nữ trong thời đại của thế kỷ 21. Vẻ đẹp thơ đã tạo ra phong cách nữ quyền - duyên dáng và tự chủ. Đọc chị khác với những nhà thơ trước đó và cùng thời. Tự tin và mạnh mẽ. Một thứ mạnh mẽ, thoáng đạt mà vẫn nhìn thấy nét dịu dàng như con người chị.
Vì sao chị lấy bài này để đặt tên cho tập thơ. Phải chăng khi xa nhau, lãng quên đã luôn luôn nhắc nhở cật vấn chị. Quên mà khắc khoải dằn vặt:
Chúng ta đã không lời từ biệt nhau
chúng ta bặt nhau quá lâu không rõ vì sao
chúng ta đánh rơi cái kí ức sáng rỡ trong đám bụi lãng quên
trong mọt giấy rơi ra từ kẽ pho sách mục
sự lãng quên trùng kiếp.
Em không biết lý do của sự đổ vỡ và không hiểu vì sao trùng kiếp vắng xa nhau.
Sáng nay
khi em trở về
những thớ gỗ trên bậc cầu thang vặn mình hôn gót chân em cuống quýt
căn phòng ốm, bức tường loang lổ rêu ngây ngấy sốt
em mở toang cửa sổ
mặt trời ôm em
gió quấn quýt em
ngôi nhà bừng cơn sốt.
Em đứng yên tan chảy
khóc mà không hiểu vì sao
vì sao chúng ta bặt xa nhau
vì sao chúng ta vắng xa nhau lâu đến thế.
(Sự lãng quên trùng kiếp)
Trùng kiếp ư? Có sự lặp lại nào đấy trong tâm hồn chị như sợi dây buộc lấy mình, đeo đẳng đời mình không thể gỡ nổi. Đến nỗi “những thớ gỗ trên bậc cầu thang vặn mình hôn gót chân em cuống quýt/ căn phòng ốm, bức tường loang lổ rêu ngây ngấy sốt”. Thơ tự do với hình tượng mới là sự lựa chọn phù hợp nhất để bộc lộ tâm trạng lúc này. Ta càng thấy rõ sự gặp gỡ quá khứ và hiện tại trong khoảnh khắc nào đấy của thứ tình yêu thiêng liêng đầy trắc ẩn. Sự trùng khít giao thoa của lòng người đến cùng lúc. Như vậy thời gian và không gian ấy được mô tả trước và sau trong cái tôi trọn vẹn nhất của chị. Mơ hồ và bất biến. Tưởng tượng và hiện thực. Tất cả chỉ là một mẫu số chung để khám phá con đường riêng thơ chị.
Ta còn bắt gặp cái riêng trong nhiều bài thơ khác, tạo ra tính chủ thể trữ tình trong thơ. Chẳng hạn “Viết về một nỗi sợ hãi”, “Khúc hát của người đàn bà và khe cửa hẹp”, “Âm thanh cuối”, “Rỗng không”, “Tự do”, “Bóng”, “Anh cần tình yêu bé của em”, “Những đám mây thiền bên cửa sổ máy bay”…
“Đôi khi em muốn mình rỗng không/ Ngay cả mảnh áo cuối cùng, em muốn bỏ lại nốt/ Rỗng không, em trườn vào gió/ Tan vào đất/ Hóa thành sông em bơi đổ ra nguồn// Rỗng không, em bay như những vệt mây/ Em đổ vàng như những triền nắng óng/ Em lạnh tăm như nước đáy hồ/ Ngàn năm im lặng// Rỗng không em đặc vào như đá/ Ròng một khối câm, nín thinh tinh khiết, náu trong triệu triệu năm/ Em trườn khỏi núi như những vân đá đòi phơi dưới ánh mặt trời/ Ai bảo núi đá không rỗng không, ảo ảnh?” - Đấy là sự nổi loạn cần thiết của thơ đương đại, mở ra trường thẩm mỹ mới vừa đa nghĩa vừa đa diện trong sự tìm tòi sáng tạo.
Đấy cũng là những nội lực bung ra khi đời sống quá nhiều áp đảo. Từ phi lý, đọc chị mới thấy cái lý do vì sao Như Bình băng qua địa hạt của thơ trong những năm gần đây. Nỗi khát khao tình yêu và cái đẹp đã mở ra trong thơ. Thơ chị như cánh hoa đang hé nở. Cánh hoa tươi tắn và trẻ trung, khá bất ngờ trong vườn hoa đẹp.