Tình yêu và tài chính đan xen nhau thế nào?

Nghệ sĩ Jeff Koons và tác phẩm The Merchant of Venice của William Shakespeare giúp chúng ta tìm ra tương quan của những cam kết gắn liền với vay nợ.

Phân ngành định giá tài sản của ngành tài chính cố gắng xác lập giá trị của các tài sản bằng cách suy nghĩ thấu đáo về những rủi ro mà chúng đưa ra, cũng như lợi nhuận mà chúng ta yêu cầu để mang những rủi ro nói trên. Có không ít người gạt đi vai trò là cơ chế để thiết lập ra giá trị thật sự của thị trường.

Phần đầu tiên này của quyển sách sẽ gợi mở rằng câu hỏi về giá trị - làm cách nào nó nảy sinh và làm cách nào chúng ta có thể đo lường được nó - sẽ kết nối tài chính đến các giá trị nhân văn theo những cách đầy sống động.

Môn định giá tài sản cho chúng ta một nhãn quan đầy mạnh mẽ về rủi ro và giá trị, nhưng nó làm được điều này bằng cách bỏ qua biết bao sự hỗn độn của đời sống. Thật vậy, một câu chuyện thần thoại làm nền tảng cho định giá tài sản là một câu chuyện về một số người ở trên những hòn đảo, họ sở hữu cây ăn quả và phải trao đổi những thứ quả này với nhau.

Định giá tài sản chỉ tập trung vào những mối quan hệ giữa các chủ sở hữu và các tài sản vô hồn của bọn họ, qua đó cắt bỏ khỏi thế giới những yếu tố rắc rối như các doanh nghiệp, những động cơ phức tạp hơn của con người, hay sự phân bổ nguồn lực và thông tin một cách không đồng đều. Những sự lộn xộn đó lại là những gì mà phần lớn chúng ta đều trải nghiệm mỗi ngày, và đó là chủ đề của môn tài chính doanh nghiệp.

Bốn chương tiếp theo sẽ nghiên cứu tất cả sự hỗn độn này. Chương 4 xem xét điều gì sẽ xảy ra khi mối quan hệ giữa nhà đầu tư và những tài sản sinh lợi cơ sở của bọn họ được trung gian bởi những con người có những động cơ riêng. Kết quả là sự nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa người chủ - principals (cổ đông) và người đại diện - agents (người quản lý doanh nghiệp) chính là vấn đề của quản trị doanh nghiệp, vốn có thể nói chính là vấn đề trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Bài toán người chủ - người đại diện, như đã được minh chứng trong bộ phim The Producers của Mel Brooks hay tiểu thuyết A Room with a View của E. M. Forster, cũng là một lăng kính đầy hữu dụng cho những tình huống trong cuộc sống mà trong đó chúng ta, dù ý thức được hay không, đều đang đóng vai đại diện cho một ai đó khác.

Bây giờ, khi đã biết về các doanh nghiệp, chúng ta có thể xem xét các doanh nghiệp này nên hợp nhất với nhau vào thời điểm nào và như thế nào, một hoạt động mà chúng ta gọi là sáp nhập. Trong chương 5, chúng ta sẽ đặt song song việc sáp nhập doanh nghiệp với những mối tình, bằng cách nghiên cứu xem tình yêu và tài chính đã đan xen với nhau từ Florence thời Phục hưng như thế nào cho đến sự trỗi dậy của gia tộc Rothschilds, cũng như thương vụ sáp nhập giữa AOL và Time Warner.

Hai chương tiếp theo kết hợp những bài học về rủi ro của định giá tài sản cùng sự hỗn độn của tài chính doanh nghiệp, bằng việc tìm hiểu khái niệm nợ vay cũng như hậu quả khi nợ vay ở mức quá cao: phá sản. Nghệ sĩ Jeff Koons và tác phẩm The Merchant of Venice của William Shakespeare giúp chúng ta tìm ra sự tương quan của những cam kết gắn liền với vay nợ trong một bối cảnh cá nhân hơn.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Ketut Subiyanto.

Ảnh minh họa. Nguồn: Ketut Subiyanto.

Tác phẩm Tàn ngày để lại của Kazuo Ishiguro, cú ngã ngựa của người giàu nhất châu Mỹ thuộc địa, và một điển cứu về thương vụ phá sản của American Airlines, tất cả đều dạy cho chúng ta nhiều điều về rủi ro của việc vay nợ quá mức và phần thưởng của các bổn phận đối lập.

Chương cuối cùng sẽ cố gắng tổng hợp lại phần lớn quyển sách bằng cách tìm hiểu sự cách biệt giữa một bên là những giá trị cao đẹp đã được diễn giải ở các chương trước đó và một bên là tiếng xấu của ngành tài chính hôm nay.

Những câu chuyện của các tác giả Leo Tolstoy và Theodore Dreiser đều nêu bật lên cách nhìn nhận điển hình về tài chính, trong khi nhà văn Willa Cather lại cho chúng ta một công thức để sống đời mình theo một cách tương đồng với những giá trị tài chính cao đẹp đã được bàn đến trong các chương trước. Quyển sách kết thúc bằng một lời kết và một danh sách chi tiết các tài liệu tham khảo (bao gồm cả một số gợi ý đọc thêm).

Với hành trình đi qua sinh học phân tử (định giá tài sản) lẫn sinh-xã hội học (tài chính doanh nghiệp) này, tôi hi vọng lĩnh vực tài chính sẽ trở nên sống động với bạn và sẽ giúp bạn quản lý các rủi ro và lợi nhuận trong đời mình.

Mihir A. Desai/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tinh-yeu-va-tai-chinh-dan-xen-nhau-the-nao-post1459700.html