Tình yêu Việt Nam của một chàng trai Palestine
Gắn bó với Việt Nam tròn một con giáp, Saleem Hammad là người Arab hiếm hoi có thể nói thành thạo ngôn ngữ của dải đất hình chữ S. Chàng trai đến từ Palestine dành cho Việt Nam một tình yêu đích thực và luôn khao khát trở thành cầu nối giữa đất nước này với thế giới Arab.
Việt Nam như người yêu đầu
Saleem Hammad đã chia sẻ như thế với chúng tôi về quãng thời gian tạm biệt Việt Nam về nước sau khi tốt nghiệp Đại học Hà Nội. Dù đã qua nhiều năm, nhưng Saleem Hammad vẫn nhớ như in ngày 10/7/2016, anh ra sân bay về nước với tấm vé một chiều. "Buồn lắm, giống như mình chia tay người yêu vậy. Mà sự chia tay đó diễn ra khi hai người vẫn đang yêu nhau tha thiết", Saleem Hammad nói với chúng tôi và chia sẻ thêm rằng, cảm giác lúc đó của bản thân khá là khó tả.
Sinh năm 1993 tại một thành phố phía Bắc Bờ Tây, Palestine, Saleem Hammad xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh tương đối khó khăn. Năm 14 tuổi, khi bố gặp tai nạn lao động, Saleem Hammad đã phải đi làm đủ nghề để kiếm tiền, phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Sau một thời gian vừa học vừa làm, có lúc anh cảm thấy kiệt sức, từng muốn bỏ học. Nhưng mẹ của anh đã buộc anh phải nghỉ việc với tuyên bố rõ ràng: "Mẹ không cần tiền của con. Mẹ chỉ cần bằng tốt nghiệp của con".
Saleem Hammad kể rằng, nhờ học tập chăm chỉ và đạt nhiều thành tích cao, anh đã đỗ vào Học viện Cảnh sát ở quê nhà và nhận được nhiều học bổng nước ngoài. Hồi đó, Saleem Hammad đã rất phân vân trước nhiều lựa chọn khi có thể đến học tập tại những quốc gia phát triển như: Đức, Trung Quốc, Ukraine…
Tham khảo ý kiến từ gia đình, cuối cùng, anh quyết định đến Việt Nam. Năm 2011, anh cùng hai bạn đồng hương lên đường tới Việt Nam, theo học tại Khoa Việt Nam học của trường Đại học Hà Nội, trở thành nhóm sinh viên Arab duy nhất (thời điểm đó) theo học tiếng Việt. Có một kỷ niệm mà Saleem Hammad vẫn nhớ mãi khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam là khi chiếc taxi chở anh đi qua những con đường Hà Nội đúng mùa hoa sữa. "Bác tài bảo tôi mở cửa kính xuống, một mùi hương nồng nàn tràn vào xe. Sau này tôi mới biết đó là mùi hoa sữa - một đặc sản của Hà Nội", Saleem Hammad chia sẻ.
Kể về cuộc đời sinh viên tại Hà Nội, Saleem Hammad kể rằng khi sang Việt Nam nhập học vào tháng 11, các bạn nước ngoài khác ở cùng lớp đã học được hai tháng. Chàng trai Palestine đã tìm mọi cách để học thành thạo tiếng Việt bằng cách tích cực giao tiếp với bạn học và những người xung quanh. Sau mỗi buổi học, Saleem Hammad đều la cà ở quán trà chanh cạnh cổng trường.
Chỉ cần một cốc trà và một đĩa hướng dương, anh đã làm quen và bắt chuyện với mọi người. Nhờ những cố gắng liên tục, Saleem Hammad không những nhanh chóng thành thạo tiếng Việt mà còn vượt qua rất nhiều bạn đồng khóa vốn đã nhập học trước đó. Chàng trai Palestine cũng được bầu làm lớp trưởng trong thời gian theo học tại trường Đại học Hà Nội. "Tết đầu tiên tại Việt Nam, tôi đã về quê của một bạn học. Đó là cậu bạn Tân, người Thanh Hóa mà tôi vừa gặp lại hồi đầu năm nay. Khi đó, lần đầu tiên tôi biết lội ruộng, cưỡi trâu. Tôi cũng đã nấu một món ăn Palestine mời gia đình Tân. Nhận được lời tán thưởng từ họ, tôi vui lắm", Saleem Hammad nhớ lại.
Việt Nam cho tôi một hy vọng
Trong câu chuyện với chúng tôi, Saleem Hammad còn thổ lộ nhiều điều bất ngờ khác. Trong quá trình học tại Việt Nam, anh đã tạo lập được một nhà hàng trước khi phải bán đi để giúp đỡ cậu em trai bị thương ở quê nhà. Sau khi tốt nghiệp đại học, Saleem Hammad đã quay về Palestine và làm việc tại Học viện Cảnh sát. Nhưng chỉ 9 tháng sau, anh đã quyết định quay trở lại Việt Nam.
"Đó là quyết định quan trọng trong cuộc đời tôi. Công việc lúc đó của tôi tại Palestine là mơ ước của rất nhiều thanh niên cùng lứa bởi có thu nhập ổn định cùng tương lai rộng mở. Nhưng tôi lại có một mục tiêu khác. Tôi không chỉ muốn một công việc sử dụng được kiến thức đã học mà còn mong ước trở thành cầu nối quan hệ giữa hai đất nước", Saleem Hammad cho biết.
Trở lại Việt Nam, Saleem Hammad chấp nhận bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng. Sau khi trải qua một loạt công việc khác nhau như phiên dịch, dạy học, hướng dẫn viên du lịch… hiện tại anh là chuyên viên phân tích truyền thông của Đại sứ quán Qatar tại Việt Nam. Tình yêu với Việt Nam được Saleem Hammad thể hiện phần nào trong bài dự thi "Hà Nội trong tôi", bằng những ngôn từ tiếng Việt đầy da diết, giúp chàng trai Palestine vượt qua rất nhiều thí sinh đến từ Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Philipines, Indonesia, Lào, Đài Loan (Trung Quốc)... để giành giải Nhất.
Năm 2019, Saleem Hammad đã trở thành Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội. Xuyên suốt cuộc thi đó, anh đã luôn nhấn mạnh mong muốn trở thành cầu nối giữa văn hóa Palestine và Việt Nam. Anh từng phát biểu rằng: "Không có dân tộc nào trên thế giới này có khát vọng hòa bình bằng dân tộc Palestine. Việt Nam đã, đang và sẽ luôn luôn là nguồn cảm hứng, một tấm gương sáng để người Palestine lấy động lực tiếp tục cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập tự do dân tộc".
Tiếp tục với ước mơ trở thành cầu nối giữa Việt Nam-Palestine nói riêng và thế giới Arab nói chung, Saleem Hammad còn lập ra một kênh YouTube, một công việc mà lúc đầu bản thân anh cũng khá bỡ ngỡ. "Tôi muốn đưa đến cho các bạn Việt Nam những thông tin đúng đắn về Palestine và thế giới Arab. Đồng thời cũng muốn giới thiệu văn hóa của Việt Nam và Arab", Saleem Hammad cho biết và bày tỏ tin tưởng rằng, điều này sẽ thúc đẩy quan hệ nhiều mặt không chỉ giữa Việt Nam và Palestine mà còn cả với các quốc gia Arab khác. Ngoài ra, với tình yêu với Việt Nam, Saleem Hammad còn tích cực hợp tác với những YouTuber khác để quảng bá Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Không những thế, chàng trai này cũng đã hỗ trợ nhiều YouTuber nổi tiếng sang Việt Nam thực hiện những video quảng bá về lịch sử, văn hóa, con người.
Một điểm đáng chú ý là Saleem Hammad đã dùng 50% lợi nhuận thu được từ kênh YouTube để làm từ thiện tại Việt Nam. Saleem Hammad chia sẻ rằng, anh làm việc này hoàn toàn vì tình yêu với đất nước Việt Nam nên các nội dung trên kênh YouTube của anh đều được chau chuốt cẩn thận. Anh cũng không muốn đưa những nội dung vô bổ để tăng tương tác bởi anh "không muốn làm một kẻ giết thời gian của người khác". "Tôi thực sự xúc động khi nhận lại sự phản hồi tích cực từ những khán giả Việt Nam. Họ cho tôi động lực để tiếp tục thực hiện công việc và từ đây, tôi thấy mình đã đi đúng hướng", Saleem Hammad tâm sự.
Tháng 4/2024, đúng dịp Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Saleem Hammad đã dịch cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân" sang tiếng Arab. Nói về điều này, Saleem Hammad không giấu được sự tự hào bởi với anh, đây thực sự là một vinh dự đồng thời cũng là cơ hội để thể hiện tình yêu với Việt Nam. Khi nhận lời dịch 234 trang của cuốn sách này thì Saleem Hammad đang bước vào tháng ăn chay Ramadan. Là một người đạo Hồi, Saleem Hammad cũng tuân thủ nguyên tắc nhịn ăn 14 tiếng trong một ngày nên sức khỏe không ổn định. Nhưng với tình cảm dành cho Việt Nam cũng như sự ngưỡng mộ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh vẫn hoàn thành công việc đúng hạn trong 15 ngày.
Bày tỏ sự khâm phục trước chiến thắng Điện Biên Phủ, chàng trai người Palestine còn kể lại kỷ niệm được lên Điện Biên, trải nghiệm thực tế những cung đường miền núi của Việt Nam, được tận mắt ngắm những khẩu đại pháo mà bộ đội đã sử dụng để làm lên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" cách đây 70 năm. Người con của mảnh đất Trung Đông nhắc lại câu chuyện về anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn càng pháo như một minh chứng về sự hy sinh quả cảm của người Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Cũng chính từ lịch sử đấu tranh của Việt Nam, Saleem Hammad tìm thấy hy vọng cho đất nước Palestine của mình. "Nhìn cuộc sống hòa bình tại đất nước các bạn, tôi lại đau đáu về Palestine nơi gia đình tôi vẫn ở đó, hàng ngày sống trong khó khăn; người dân nước tôi đang chịu đựng chiến tranh xung đột. Song cũng nhìn vào Việt Nam, tôi có niềm tin rằng, rồi đất nước mình cũng sẽ tìm được hòa bình, độc lập", Saleem Hammad cho biết.