TKV: Đẩy mạnh tự động hóa trong sản xuất

Qua áp dụng thí điểm các mô hình TĐH, không chỉ giúp các đơn vị của TKV tiết giảm nhiều nhân công, tăng năng suất lao động, mà còn gia tăng mức độ an toàn và tối ưu hóa các công đoạn sản xuất than hiện nay...

Thời gian gần đây, các đơn vị ngành Than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tập trung đầu tư hệ thống tự động hóa (TĐH) nhiều công đoạn sản xuất, kinh doanh than. Qua áp dụng thí điểm các mô hình TĐH, không chỉ giúp các đơn vị của TKV tiết giảm nhiều nhân công, tăng năng suất lao động, mà còn gia tăng mức độ an toàn và tối ưu hóa các công đoạn sản xuất than hiện nay...

Trung tâm Điều hành sản xuất tập trung của Công ty CP than Hà Lầm được đưa vào hoạt động đầu tháng 2/2018.

Trung tâm Điều hành sản xuất tập trung của Công ty CP than Hà Lầm được đưa vào hoạt động đầu tháng 2/2018.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, giai đoạn 2017-2020, TKV đang tập trung đầu tư ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào các lĩnh vực sản xuất và chế biến than. Cụ thể, đối với khối sản xuất than hầm lò, trong năm 2018, một số đơn vị đã đầu tư các hệ thống tự động hóa tại một số công đoạn, công việc trong công tác đào lò và khai thác than. Tiêu biểu như hệ thống tự động hóa trạm nén khí tại Công ty than Uông Bí, Công ty CP than Hà Lầm và Công ty CP than Núi Béo. Qua hơn 1 năm đưa mô hình này vào hoạt động đã giúp 3 đơn vị giảm tổn thất 30% lượng khí nén toàn mỏ, đồng thời giúp phát hiện sớm các điều kiện hao khí nén bất thường do hư hỏng đường ống dẫn.

Trong công tác vận tải, nhiều đơn vị của TKV đã triển khai đầu tư, đưa vào sử dụng hệ thống tự động hóa các tuyến băng tải, như: Hệ thống băng tải tự động hóa giếng Cánh Gà từ -50 về Nhà máy Tuyển than Vàng Danh 2; hệ thống tự động hóa tuyến băng tải giếng chính tại Công ty than Hòn Gai và Công ty than Dương Huy... Việc đưa vào sử dụng các tuyến băng tải tự động này, giúp nâng cao công suất vận chuyển, tránh bị ùn tắc than dưới hầm lò. Riêng khối sản xuất than lộ thiên, năm 2018, Công ty CP than Đèo Nai đã đầu tư một số tuyến băng tải than nguyên khai. Qua đánh giá việc thực hiện các lệnh giám sát, điều khiển tại phòng tập trung đã giúp các đơn vị áp dụng mô hình trên tiết giảm được 40-60% lao động.

Nhà điều hành tập trung hệ thống tự động hóa trạm quạt +120 (Công ty than Mạo Khê).

Nhà điều hành tập trung hệ thống tự động hóa trạm quạt +120 (Công ty than Mạo Khê).

Đối với công tác thông gió mỏ, tiêu biểu năm 2018 Công ty Than Mạo Khê đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống tự động hóa trạm quạt +120. Đến nay, hệ thống này đã giúp công ty tiết giảm 6 lao động và điện năng hơn 370.000 kWh/năm (tương ứng hơn 700 triệu đồng/năm). Ngoài ra, Công ty than Khe Chàm cũng đã đầu tư hệ thống tự động hóa điều khiển đóng mở cửa gió, qua đó giảm được 6 công nhân trực đóng mở cửa lò, giảm tối đa lượng gió rò rỉ, phục vụ sản xuất an toàn, hiệu quả.

Theo đánh giá của TKV, việc áp dụng tự động hóa, tin học hóa trong sản xuất và chế biến than (tính riêng trong năm 2018) đã giúp TKV tiết giảm được 463 nhân lực trực tiếp, trong đó khối hầm lò giảm 392 người, lộ thiên 41 người, khối sàng tuyển và cơ khí giảm 30 người. Lợi nhuận kinh tế từ việc áp dụng tự động hóa, tin học hóa của toàn Tập đoàn ước đạt 260 tỷ đồng/năm. Được biết, trong năm 2019, các đơn vị ngành Than đang tiếp tục đầu tư hệ thống tự động hóa trạm bơm dịch, hệ thống tự động hóa tuyến băng tải chính trong hầm lò và ngoài mặt bằng, tự động hóa điều khiển giám sát tập trung tại trạm biến áp. Bên cạnh đó, TKV còn tiếp tục mở rộng phạm vi sử dụng hệ thống cấp phát nhiên liệu tự động...

Ngày 24/5, tại Quảng Ninh, TKV đã tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá tình hình ứng dụng tự động hóa, tin học hóa đáp ứng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày 24/5, tại Quảng Ninh, TKV đã tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá tình hình ứng dụng tự động hóa, tin học hóa đáp ứng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai áp dụng tự động hóa trong sản xuất, chế biến than của TKV đang gặp phải không ít khó khăn. Một số đơn vị triển khai áp dụng tự động hóa còn chậm như: Mông Dương, Nam Mẫu, Tây Nam Đá Mài... Trong khi đó việc thu hút và đào tạo nhân lực về tự động hóa vẫn còn hạn chế hoặc chưa có các chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ trực tiếp phụ trách công nghệ thông tin, tự động hóa.

Tại hội nghị rà soát, đánh giá tình hình ứng dụng tự động hóa, tin học hóa, đáp ứng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa, tự động hóa là bước cụ thể mục tiêu của Tập đoàn đến năm 2030 sẽ hiện đại hóa khai thác than, khoáng sản, hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Tự động hóa và tin học hóa là yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định với sự phát triển của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên, vì vậy trong giai đoạn này các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện tự động hóa, tin học hóa. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ các mô hình áp dụng hiệu quả trước đó để nhân rộng ra. Một số đơn vị trong quá trình triển khai gặp phải khó khăn, TKV yêu cầu cần quyết tâm tháo gỡ, làm sao việc đầu tư ứng dụng tự động hóa, tin học hóa phải phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả cao.

Theo Báo Quảng Ninh

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tkv-day-manh-tu-dong-hoa-trong-san-xuat-63259.htm