TKV: Kiên trì các giải pháp tăng thu nhập để giữ chân lao động
TKV sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp về thu nhập và sự thăng tiến nhằm giữ chân, thu hút lao động; rà soát, điều chỉnh chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Ngày 28/6, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức Hội nghị người lao động công ty mẹ năm 2022 và các giải pháp thực hiện năm 2023.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện TKV cho biết, năm 2022, trước những yếu tố bất thường tác động đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, tập thể người lao động, Đảng ủy Tập đoàn, Đảng ủy Than Quảng Ninh, Ban lãnh đạo điều hành, Công đoàn, Đoàn thanh niên Tập đoàn, Đoàn Thanh niên Than Quảng Ninh và tập thể 94.000 thợ mỏ đã nỗ lực vượt khó vươn lên để đạt được những thành tựu nổi bật.
Năm 2022, TKV đã hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất kinh doanh và được đánh giá là một năm thành công nhất từ trước tới nay. Theo đó, TKV đạt kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng, với doanh thu cao nhất kể từ khi thành lập; lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch giao. TKV cũng cung cấp đủ, kịp thời than cho sản xuất điện và phân bón góp phần bình ổn giá cả thị trường trong bối cảnh giá than thế giới đang ở mức rất cao. Sản lượng than sạch sản xuất tăng thêm 3,3 triệu tấn so với kế hoạch.
Lương, thưởng, chế độ đãi ngộ cho người lao động tăng
Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Điều này thể hiện rõ nhất ở lộ trình tăng lương của Tập đoàn. Năm 2022, TKV bổ sung vào chi phí khoán cho các đơn vị, tăng so với kế hoạch đầu năm trên 2.500 tỷ đồng. Cùng với đó lợi nhuận định mức cũng được Tập đoàn giao tăng gấp đôi so với kế hoạch giúp tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời các đơn vị cũng có điều kiện trích tăng quỹ khen thưởng, phúc lợi phục vụ cho người lao động.
Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 16,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 23,6% kế hoạch và tăng 15,4% so với thực hiện năm 2021; Tiền lương bình quân Công ty mẹ đạt 18,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 26,4% kế hoạch và tăng 20,1% so với thực hiện năm 2021.
Trong đó, các đơn vị khối sản xuất than hầm lò có tiền lương bình quân 19,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 23,7% kế hoạch và tăng 18,1% so với thực hiện năm 2021. Tiêu biểu, có 4 đơn vị đạt trên 20 triệu đồng/người/tháng gồm: Khe Chàm, Thống Nhất, Dương Huy, Mạo Khê.
Tiền lương bình quân thợ lò đạt 24,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 24,8% kế hoạch và tăng 13,8% so với thực hiện năm 2021. Trong đó có 6.941 thợ lò thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, chiếm 28,9% tổng số thợ lò.
Về việc chăm lo sức khỏe cho người lao động, đại diện TKV cho biết, từ năm 2019, TKV đã mở rộng đối tượng rửa phổi toàn bộ đối với thợ lò có thời gian làm việc thường xuyên trong hầm lò từ 20 năm trở lên.
Toàn bộ chi phí rửa phổi do TKV đài thọ từ Quỹ phúc lợi tập trung Công ty mẹ với chi phí cho 1 ca rửa phổi là 41 triệu đồng (bao gồm cả chi phí đưa, đón người lao động từ đơn vị đến bệnh viện để rửa phổi và ngược lại). Người lao động đi rửa phổi còn được hưởng lương theo quy chế trả lương của đơn vị và các chế độ phúc lợi khác như đi làm.
Các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động. Tổng số 94.758 người đã khám, đạt 97,98%; trong đó số công nhân có sức khỏe loại 1, 2, 3 là 89.221 người chiếm 96,08%. Số lao động còn lại là 3.632 người, chiếm 3,92% là sức khỏe loại 4, loại 5 đã được bố trí công việc hợp lý.
TKV cũng thực hiện chi hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng COVID-19, tổng số 38.567 người với số tiền 37,4 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động bằng tiền và test COVID-19 với số tiền 20,4 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động các loại thuốc bổ, thuốc phục hồi sức khỏe cho người lao động hậu COVID-19 với số tiền 14,4 tỷ đồng; hỗ trợ tiền lương cho người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 với số tiền 38,7 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN mà TKV đã nộp cho Cơ quan BHXH là 2.427 tỷ đồng. Riêng tại Công ty cổ phần sắt Thạch Khê, từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023 do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn (do bị cưỡng chế thuế và phong tỏa hóa đơn) nên Công ty không có nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động. Để tháo gỡ khó khăn ngoài tiền lương, TKV tiếp tục hỗ trợ chi phí đóng BHXH phần trách nhiệm của doanh nghiệp cho người lao động.
Thiếu hụt nhân lực
Bên cạnh những việc nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người lao động, TKV cũng cho biết, Tập đoàn đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân lực. Bởi công tác tuyển sinh thợ mỏ hầm lò rất khó vì hiện nay số lượng tuyển sinh chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, chất lượng đầu vào của lao động học nghề dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Tỉ lệ lao động thợ mỏ hầm lò bỏ việc trong năm 2022 vẫn còn cao, lên tới trên 70%. Diễn biến này ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho những năm sau. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có nguy cơ thiếu nguồn cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ có trình độ đại học chuyên ngành mỏ để thay thế.
Theo TKV, để tăng cường công tác tuyển sinh học sinh theo học các nghề mỏ hầm lò, công ty khai thác than - khoáng sản phải chịu trách nhiệm tuyển sinh 20% số học sinh theo kế hoạch đào tạo của đơn vị mình bằng phương thức “truyền thông tự thân”.
Năm 2022, chỉ có 3 đơn vị đạt và vượt kế hoạch tuyển sinh là Công ty CP than Mông Dương (146%), Quang Hanh (111%), Hòn Gai (135%). Các đơn vị còn lại đạt thấp, trong đó có 3 đơn vị có tỉ lệ đạt dưới 30% gồm: Khe Chàm (26%), Nam Mẫu (13%), Xây lắp mỏ (23%).
Ngoài ra, năm 2022, vẫn còn 2.104 người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo đại diện Công ty than Quang Hanh, có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên bởi do đo đặc thù nghề nghiệp. Nghề khai thác mỏ hầm lò là nghề có điều kiện và môi trường làm việc nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại nên nhiều người lao động không chịu được gian khổ, không thích nghi với nghề mỏ.
Đồng thời, mặc dù Tập đoàn đã chỉ đạo đầu tư các thiết bị hiện đại áp dụng cho sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên tình trạng tai nạn lao động xảy ra hàng năm vẫn còn nhiều, số bị tai nạn lao động sau điều trị không muốn quay trở lại làm việc.
Người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp
Với tinh thần người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, còn người là còn của, TKV cho biết, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục sử dụng mọi biện pháp đảm bảo đủ việc làm, đủ nhân lực phục vụ sản xuất theo yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Trong năm 2023, TKV sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp về thu nhập và sự thăng tiến nhằm giữ chân, thu hút lao động; rà soát, điều chỉnh chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Cụ thể, năm 2023 TKV đưa ra mục tiêu tiền lương bình quân toàn Tập đoàn 14,9 triệu đồng/người-tháng và phấn đấu ở mức cao hơn, trong đó sản xuất than 15,4 triệu đồng/người-tháng; Công ty mẹ 16 triệu đồng/người-tháng.
Đồng thời, đẩy mạnh việc đầu tư áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại vào các vị trí sản xuất để tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn cho người lao động (đặc biệt quan tâm đến công tác vận chuyển người, vật liệu).
TKV cũng sẽ phối hợp xây dựng đề án nâng cấp nhà ở tập thể công nhân, trước mắt triển khai đối với các đơn vị địa bàn tỉnh Quảng Ninh và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng, triển khai phát triển nhà lưu trú công nhân.