TNG báo lãi hơn 125 tỷ trong 6 tháng, hoàn thành 44,8% chỉ tiêu năm
Tại quý II/2022, lợi nhuận tại dệt may TNG đạt 86,8 tỷ đồng, tính chung 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 125,3 tỷ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2021.
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG ( HNX: TNG ) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, theo đó tổng tài sản tại công ty tính đến thời điểm tháng 6/2022 ghi nhận đạt hơn 5.284 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm.
Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 86,8 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ quý II/2021. Nguồn thu chủ yếu đến từ lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, đạt 311 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại TNG cũng tăng cao với gần 116 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, TNG đạt doanh thu 3.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,8% và 50,8% so với cùng kỳ năm 2021. Về các chi phí, ngoại trừ chi phí bán hàng giảm 13,3%, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 63% và 72%.
Như vậy, sau nửa đầu năm dệt may TNG đã hoàn thành 54,1% kế hoạch doanh thu và 44,8% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Hiện tại, thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là Bắc Mỹ với tỷ trọng 54,4%, xếp thứ 2 là EU với 32% và Châu Á đứng thứ 3 với 5,1% và Việt Nam xếp thứ 6 với tỷ trọng 2%.
Mức doanh thu mà TNG đạt được đến từ các mặt hàng như may trang phục, sản xuất trang phục dệt kim, đan móc; bán buôn vải, hàng may sẵn, giày dép... Bên cạnh đó còn có kinh doanh bất động sản; sản xuất giấy nhãn, bìa nhãn, bao bì từ giấy và bìa; sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa và bán buôn đồ dùng gia đình.
Ngoài ra, công ty đầu tư bổ sung thêm máy móc thiết bị tự động và ứng dụng phần mềm tự phát triển để soát sản xuất theo mốc giờ đến từng người lao động nên đã tăng được năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng và tình trạng khan hiếm container cải thiện. Hàng hóa xuất khẩu không còn bị ách tắc ở cảng giúp doanh thu tăng. Ngoài việc áp dụng phần mềm trong công tác chuẩn bị sản xuất, máy móc thiết bị, vấn đề thu hồi công nợ khách hàng cải thiện nên giá vốn hàng bán giảm, chi phí bán hàng giảm.
Theo đó, dự kiến tháng 7, doanh thu toàn công ty sẽ đạt 690 tỷ đồng.
Tại quý I/2022, TNG ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế được kiểm toán đạt hơn 38 tỷ đồng, tăng 73,71% so với cùng kỳ (trong quý I năm ngoái, lợi nhuận doanh nghiệp chỉ ở mức 22 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý năm 2018)
Kế hoạch kinh doanh năm 2022, TNG đặt mục tiêu doanh thu 5.990 tỷ đồng, lãi sau thuế 279 tỷ đồng; lần lượt tăng 10% và 20,2% so với thực hiện 2021. Cổ tức tối thiểu đạt 16%.
Về kế hoạch lâu dài, trong 5 năm tiếp theo, TNG kỳ vọng đạt mốc doanh thu khoảng 6.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 575 tỷ đồng. Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thị phần ở các thị trường mới nổi, TNG sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thời trang trong nước tới tất cả các tỉnh, thành phố cũng như phân phối ra nước ngoài qua các kênh thương mại điện tử.
Với mảng bất động sản, đơn vị tiếp tục đầu tư và đưa vào kinh doanh cụm khu công nghiệp Sơn Cẩm 70 ha, hiện TNG đã đầu tư hoàn chỉnh 2 nhà máy may TNG Việt Đức và Việt Thái tại khu công nghiệp này. Ngoài ra, TNG sẽ đầu tư thêm vào khu tái định cư, nhà ở thương mại tại xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên 20 ha; đầu tư kinh doanh bất động sản tại 2 khu đất Việt Đức và Việt Thái.