Tờ báo của lòng dân

Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) đã trải qua 47 năm có mặt trên thị trường báo chí cả nước. Chặng đường tính bằng con số 47 năm - gần nửa thế kỷ đối với đời sống của một tờ báo ngành Công an chưa phải là dài nhưng cũng không phải ngắn.

Kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập Báo Công an TPHCM (15/6/1976 - 15/6/2023): Tờ báo của lòng dân (CAO) Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) đã trải qua 47 năm có mặt trên thị trường báo chí cả nước. Chặng đường tính bằng con số 47 năm - gần nửa thế kỷ đối với đời sống của một tờ báo ngành Công an chưa phải là dài nhưng cũng không phải ngắn.

Tôi có mặt ngay từ đầu khi tờ báo “ra dân” nên làm việc, chứng kiến, trực tiếp trải qua những thăng trầm, sóng gió cùng anh em tòa soạn, cán bộ, công nhân viên của tờ báo mang tính đặc thù so với sản phẩm báo chí nói chung, có mặt trên thị trường ở một thành phố cũng đặc thù so với cả nước.

Khi Báo CATP.HCM “ra dân”, phát hành rộng rãi trên thị trường là do nhu cầu của Bạn đọc lúc bấy giờ, một nhu cầu thực sự, xuất phát từ tính hấp dẫn của lĩnh vực An ninh trật tự và Đời sống xã hội mà chỉ có tờ báo của Ngành Công an mới phản ánh hết được so với các tờ báo khác, vấn đề An ninh trật tự và Đời sống xã hội còn giới hạn ở số trang hoặc chuyên mục. Tuy nhiên Ban Biên tập báo lúc đó vẫn chưa lường hết được sức thu hút của Bạn đọc, tức là người dân nói chung đối với Báo CATP. HCM lúc đó nên chỉ in số lượng 6.000 tờ để “thăm dò”.

Ban Biên tập cùng CBCS-CNV Chuyên đề CATP sau một buổi chào cờ đầu tuần

Ban Biên tập cùng CBCS-CNV Chuyên đề CATP sau một buổi chào cờ đầu tuần

Thật bất ngờ, 6.000 tờ báo CATP.HCM bán hết veo, để rồi số sau tăng tê-ra vùn vụt lên đến con số chóng mặt: 36.000 tờ. Với con số này thì Bộ phận Hành chánh Quản trị phải chạy mua “giấy ngoài” để in báo, chứ số giấy được mua theo chế độ “Bond giấy” được cấp lúc bấy giờ rất giới hạn. Nhưng rồi số lượng 36.000 tờ/kỳ/tuần cũng không dừng lại mà cứ tăng theo cấp số nhân, cho đến đỉnh điểm cực thịnh của Báo CATP.HCM là... 720.000 tờ/2 kỳ/tuần. Và tờ Đặc san cuối tuần thứ bảy 300.000 tờ vào những năm 1992 - 1993... Với số lượng này, Báo CATP.HCM lại mang thêm một tính đặc thù của làng báo là tờ báo tự phát hành, không thông qua công ty phát hành nào, các đại lý lớn phải tới tòa soạn lấy báo mới phát hành lúc 3 giờ sáng mà trước đó phải đóng “tiền tươi” trước một tuần để đăng ký số lượng và lấy phiếu.

Báo CATP.HCM có được số lượng phát hành khủng và là tờ báo duy nhất trên thị trường báo chí tự phát hành không thông qua công ty phát hành như vậy, theo dư luận đánh giá là báo có sức hút từ lòng dân, được người dân hoàn toàn ủng hộ. Trước hết về mặt nội dung, Báo CATP.HCM có một số trang mục, chuyên mục hấp dẫn, đi sát với đời sống xã hội như: Điều tra theo yêu cầu bạn đọc; Chuyện vụ án; An ninh kinh tế; Chuyện cảnh giác; Gõ cửa quan; Trinh sát kể chuyện; Tin đó đây; Trước ống kính... Đặc biệt là 2 chuyên mục Tiếng còi và Chuyện hàng tuần.

Một bạn đọc mở tờ Báo CATP ra đọc ngay tại sạp báo - Ảnh: A.Quân

Một bạn đọc mở tờ Báo CATP ra đọc ngay tại sạp báo - Ảnh: A.Quân

Chuyên mục “Tiếng Còi” gọi là “thổi” tiêu cực trong nội bộ lúc đó được Bộ Công an và CATP. HCM rất ủng hộ. Gọi là “thổi” cho nó sát nghĩa với “Tiềng còi” chứ thật ra đây là thể loại bài viết nửa chính luận, nửa phiếm luận, viết theo phản ánh bằng văn bản của người dân về những điều còn thiếu sót của anh em trong lực lượng khi tiếp xúc với người dân. Văn bản phản ánh được xác minh cẩn thận từ thực tế và “Tiếng còi” viết lại để góp ý, xây dựng anh em khắc phục, sửa chữa lỗi với dân làm tốt hơn nhiệm vụ được phân công. Bài viết theo văn phong “Ý tại ngôn ngoại”, đôi lúc thâm thúy, có chỗ chân tình, có khi hài hước và kết thúc bằng 4 câu thơ bình của người viết vừa nhẹ nhàng, ý nghĩa nhưng đầy thuyết phục, rất hợp lòng dân. Do đó rất được người dân hoan nghênh.

Chuyên mục “Chuyện hàng tuần” là thể loại phiếm luận, tiểu phẩm, đề cập đến những tiêu cực trong sinh hoạt đời sống xã hội. Bằng văn phong nhẹ nhàng, dí dỏm... được bạn đọc mọi lứa tuổi thích thú, hoan nghênh. Cũng cần nói thêm một chuyên mục nữa, đó là chuyên mục “Trước ống kính”, đăng những bức ảnh mang tính hiện thực báo chí do phóng viên chụp bất chợt trên đường tác nghiệp về những sai trái, tiêu cực trong sinh hoạt đời sống xã hội, được người viết dựa theo nội dung bình bằng 4 câu thơ dí dỏm, ý nghĩa phê phán, góp ý xây dựng thâm thúy cũng được người dân hết sức thích thú, ủng hộ. Có thể nói 3 chuyên mục: “Tiếng còi”, “Chuyện hàng tuần”, “Trước ống kính” là điểm nhấn trong nội dung tờ báo làm tăng thêm hương vị cho độc giả.

Nhưng một vấn đề quan trọng khiến Báo CATP.HCM đi vào lòng dân để trở thành tờ báo của đại chúng một cách chính xác nhất ngoài nội dung là “Công tác xã hội - từ thiện” mà báo đã duy trì liên tục từ ngày ra dân tới hôm nay. Khởi đầu của công tác XH-TT mà Ban Biên tập đã chủ trương mang tính rất nhân văn cho người nghèo mượn tiền không lấy lại để “khởi nghiệp”. Tôi còn nhớ lúc đó đã thành một “phong trào” mang đậm tình người khi một người dân nghèo ở khu phố cần “khởi nghiệp” bằng một gánh chè nhưng không có vốn, được UBND phường, xã chứng nhận mang tới Báo CATP sẽ được trích Quỹ XH-TT “cho mượn” 200 ngàn - 300 ngàn (rất có giá trị thời điểm đó) mà thực ra người mượn không cần hoàn lại vốn, đã giúp rất nhiều người dân nghèo có được phương tiện để sinh nhai.

Bạn đọc đến Tòa soạn Báo CATP gửi tiền giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh do báo đăng. Ảnh: A.Quân

Bạn đọc đến Tòa soạn Báo CATP gửi tiền giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh do báo đăng. Ảnh: A.Quân

Song song với phong trào “Khởi nghiệp cho người nghèo”, trên mặt báo mở chuyên mục “Những mảnh đời bất hạnh”. Mỗi bài viết, hình ảnh của phóng viên đưa lên về một “Mảnh đời bất hạnh” đã được độc giả đặc biệt quan tâm, chia sẻ, không chỉ bằng tình thương mà còn bằng một số tiền tùy tâm góp vào Quỹ XH-TT của báo. Không thể tính hết số “Mảnh đời bất hạnh” được cứu giúp bằng tấm lòng tương trợ quý báu của mọi tầng lớp độc giả đã được mổ tim, chữa bệnh, mua xe đạp, làm kế sinh nhai... hoặc đã thoát nghèo, vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Chưa dừng lại ở đó, quỹ XH-TT của Báo CATP còn kết hợp với các địa phương xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho người nghèo, diện chính sách. Kết hợp với Bệnh viện, Sở Y tế... Đưa đoàn bác sĩ về các địa phương khám, phát thuốc, chữ abệ nh miễn phí cho người dân, tặng quà trong dịp Tết... Có thể nói, hoạt động sau mặt báo, công tác XH-TT của Báo CATP là một chủ trương đầy tính nhân văn, đi sát người nghèo, nên rất được lòng dân. Chính người dân đã xem Báo CATP là tờ báo của người nghèo nên hết lòng ủng hộ. Từ đó Báo CATP mới đạt được số lượng phát hành cao, liên tục trong suốt nhiều năm qua, là thời ky â cự cthịnh củ abá ogiấ ykhi chưa có mạng xã hội cạnh tranh như ngày hôm nay.

Kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập Báo CATP, với cương vị là người có mặt ngay từ đầu, những năm tháng khó khăn khi tờ báo ra dân và thời kỳ cực thịnh của báo giấy, tôi thiết tha đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét lại việc sáp nhập Báo CATP.HCM về Báo Công an nhân dân để trở thành “Ban Chuyên đề”... Việc này đã làm hạn chế sự phát triển của tờ báo từng có bề dày thành tích xuyên suốt 47 năm có mặt trên thị trường báo chí cả nước trong tư thế là tờ báo ngành thuộc CATP.HCM, một tờ báo mang tính đặc thù của thành phố, đặc thù về văn hóa, kinh tế, xã hội cả nước như đã nêu trên... Rất mong Báo CATP.HCM được cho hưởng quy chế đặc thù để củng cố, phát triển, trở lại thời kỳ trước đây khi chưa quy hoạch sáp nhập.

TỪ KẾ TƯỜNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ky-niem-47-nam-ngay-thanh-lap-bao-cong-an-tphcm-1561976-1562023-to-bao-cua-long-dan_148455.html