Tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM là phù hợp và đã phát huy được hiệu quả
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 tại TPHCM, theo đánh giá tổ chức bộ máy đã được tinh gọn, bước đầu đã khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng lên về phẩm chất, tinh thần phục vụ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng.
Ngày 13/10, UBND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TPHCM. Dự hội nghị có ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP; Trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP; ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;…
Bộ máy quản lý hành chính trở nên tinh gọn
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131 và Nghị quyết số 1111, TPHCM đã đạt được một số kết quả bước đầu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, còn có mặt hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và trong công tác cải cách hành chính. Việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế có mặt chưa đạt; chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhìn chung chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức thực hiện chính quyền đô thị còn gặp nhiều vướng mắc do các cơ chế, quy định thiếu đồng bộ và có nội dung chưa phù hợp thực tiễn khi áp dụng cho một địa bàn lớn với khối lượng công việc nhiều, phức tạp.
Để sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 131 để trình Quốc hội; đồng thời, kiến nghị Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM và TP Đà Nẵng. TPHCM đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét phê duyệt số lượng biên chế hành chính, số lượng người làm việc, số lượng hợp đồng lao động sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo đánh giá, qua 3 năm thực hiện hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14, bộ máy quản lý hành chính trên địa bàn TP trở nên tinh gọn do giảm bớt cấp chính quyền, thủ tục hành chính được cắt giảm, thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của đô thị đông dân sẽ làm cho bộ máy chính quyền đạt được sự phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn.
Tại TP Thủ Đức, riêng tổ chức HĐND, sau khi sáp nhập và tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì hiện có 40 đại biểu HĐND. HĐND được tổ chức có cơ cấu hợp lý về số đại biểu đang công tác.
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, để đạt được kết quả tốt phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ TP đến phường; chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện tổ chức CQĐT. Phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị để tạo được sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh các địa phương thực hiện mô hình CQĐT đạt kết quả thì một số nơi gặp không ít khó khăn. Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A Nguyễn Văn Ngân cho biết phường có 31.025 hộ dân với 125.894 nhân khẩu, đông gấp 8 lần so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay UBND phường được giao 36 biên chế, gồm 22 cán bộ, công chức và 14 cán bộ không chuyên trách. Trung bình mỗi công chức và người hoạt động không chuyên trách phường (khối chính quyền) phải phục vụ từ 5.000 - 6.000 người dân (22 cán bộ/125.000 dân). Đồng thời, hiện nay phường chỉ có 2 Phó Chủ tịch, gồm 1 người phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội; 1 người phụ trách lĩnh vực địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường. Do thiếu người nên Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường quản lý luôn cả lĩnh vực kinh tế nên rất áp lực trong công việc.
Tiếp tục hoàn thiện Chính quyền đô thị
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã phân tích những kết quả đạt được; đồng thời cho rằng qua kết quả triển khai từ 1/7/2021 ở cấp TP, ở TP Thủ Đức, ở 16 quận và 249 phường ghi nhận những mặt được tích cực. Trước tiên, phải khẳng định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã được nâng lên; công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức có sự chuyển biến tích cực, dù có 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và dành thời gian cho phục hồi là chủ yếu.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy đã được tinh gọn, bước đầu đã khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng lên về phẩm chất, tinh thần phục vụ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng.
Cụ thể, tại TP Thủ Đức mô hình đầu tiên của cả nước "TP trong TP", bước đầu có được cơ chế để ổn định về mặt tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động và với cơ chế của Nghị quyết 98 Thủ Đức có điều kiện ổn định hơn nữa về tổ chức bộ máy. Tổ chức CQĐT đã làm cơ sở thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn chính quyền số. “Như vậy, với các kết quả này, có thể thấy tổ chức CQĐT tại TPHCM là phù hợp và đã phát huy được hiệu quả” – Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định.
Qua 3 năm thực hiện cũng bộc lộ nhiều bất cập, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết vừa qua, UBND TP đã kịp thời phát hiện, cập nhật và có điều chỉnh 1 phần theo thẩm quyền của mình và tổng hợp báo cáo Chính phủ để có sự điều chỉnh ở tầm cao hơn. Do vậy, những bất cập này phải khẩn trương điều chỉnh để hoàn thiện hơn mô hình CQĐT tại TPHCM mới đạt hiệu quả cao nhất.
Một số những bất cập được Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chỉ ra như: Số biên chế ít so với khối lượng công vụ; sự phân cấp, phân quyền để đạt được mục tiêu CQĐT gọn, mạnh, nhanh, để đạt được hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa thực hiện được triệt để; thiếu sự chủ động trong điều hành một số công tác; Việc thực hiện quyền làm chủ của người dân cần được tiếp tục nghiên cứu khi phường và quận không còn tổ chức HĐND... UBND TP đã cập nhật hết các vấn đề bất cập, có định hướng theo thẩm quyền, báo cáo Chính phủ để đề nghị sửa đổi Nghị định 33 về thực hiện Nghị quyết 131.
Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định: “Từ kết quả đạt và chưa được, tổ chức CQĐT tại TPHCM là phù hợp nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện. Trong 3 năm thực hiện thì tình hình kinh tế-xã hội, an ninh trật tự ổn định và phát triển. Người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ với mô hình này”.
Sắp xếp, điều chỉnh những bất cập về phân cấp, phân quyền
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị các cấp trong hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền tập trung thực hiện Nghị quyết 131 trên cơ sở phát huy các kết quả đạt được cũng như chủ động đề xuất, khắc phục bất cập đã nhận diện. Trong đó, tiếp tục tập trung xây dựng chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh chuyên nghiệp, hiệu quả để bộ máy chính quyền, hệ thống hành chính, nền công vụ phải theo kịp, phải phục vụ và kiến tạo cho sự phát triển của TP.
Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện quy trình thủ tục, tập trung công tác CCHC ở từng cấp, từng cơ quan từ TP cho đến phường và lấy chỉ số CCHC được đánh giá hằng nằm để soi rọi và có biện pháp khắc phục. Tập trung xây dựng vị trí việc làm ở từng cơ quan; xây dựng và triển khai khung năng lực về cán bộ, công chức viên chức gắn với chủ trương về biên chế của Trung ương và Chính phủ, để giải quyết các vấn đề bất cập về biên chế. Đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, tập trung xây dựng đội ngũ, hiện đại hóa, số hóa nền hành chính xây dựng chính quyền số...
Các cấp tập trung sắp xếp điều chỉnh bất cập về phân cấp, phân quyền để công việc thông suốt; tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 131 và các văn bản có liên quan. Tập trung nghiên cứu và triển khai các biện pháp để phát huy quyền làm chủ của người dân. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân và doanh nghiệp gắn với đổi mới phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ để phát huy tốt vai trò giám sát của HĐND TP, HĐND TP Thủ Đức và MTTQ các cấp. Triển khai các nội dung về tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức theo Nghị quyết 98 gắn với nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của TP Thủ Đức. Tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận TP Thủ Đức là đô thị loại 1. Việc này quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức bộ máy để Thủ Đức có thể thực hiện mục tiêu là TP năng động, sáng tạo, tương tác cao ở phía đông kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiếp tục nghiên cứu mô hình tổ chức CQĐT ở TPHCM để khi tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 131 sẽ có hướng hoàn thiện triển khai trong thời gian tới.
Tại hội nghị, UBND TPHCM đã có quyết định tặng Bằng khen cho 52 tập thể và 71 cá nhân đã có thành tích xuất sắc.