Tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát việc 'cấm tiếp xúc' người có hành vi bạo lực gia đình

Thảo luận Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định để phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia giám sát việc thực hiện quyết định 'cấm tiếp xúc' với người có hành vi bạo lực gia đình.

 Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, thảo luận tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, thảo luận tại hội trường

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án và giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 25, 26 và Điều 27), vẫn còn các ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, các biện pháp cấm tiếp xúc không khả thi; có ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể ra quyết định cấm tiếp xúc khi có đủ căn cứ, không cần có "yêu cầu cấm tiếp xúc" và "sự đồng ý" của người bị bạo lực gia đình.

Tiếp thu, giải trình về nội dung này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định về trường hợp khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình tự ra quyết định cấm tiếp xúc như thể hiện tại khoản 2 Điều 25 dự thảo Luật.

Với nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, cho rằng, để đảm bảo tính kịp thời và bảo vệ an toàn cho đối tượng bị bạo lực, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế, đề nghị cần xem xét, điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời gian xem xét, quyết định các biện pháp cấm tiếp xúc với thời gian không quá 8 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điểm a và điểm b khoản 1 và không quá 3 giờ đối với trẻ em, người cao tuổi.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Huế, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đề nghị việc quyết định cấm tiếp xúc cũng cần có hình thức tăng nặng hơn với trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình tái phạm nhiều lần. Theo đại biểu Huế, quy định Chủ tịch UBND xã nơi xảy ra bạo lực gia đình ra quyết định cấm tiếp xúc, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc không quá 3 ngày/lần là chưa đủ tính răn đe với trường hợp vi phạm nhiều lần mà cần nâng mức tăng nặng sau mỗi lần tái phạm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận tại hội trường

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận tại hội trường

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Về quy định "cấm tiếp xúc" (Điều 25) là rất cần thiết để phòng, chống hành vi bạo lực gia đình có thể tiếp tục xảy ra. Bên cạnh đó, đại biểu này cho biết: Theo quy định, khi có hành vi bạo lực phải báo cho Chủ tịch UBND xã để phân công an trực tiếp tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực sẽ rất chậm. Người nhận tin báo phải báo ngay cho công an, đồn biên phòng nơi gần nhất để phối hợp đến hiện trường ngăn chặn kịp thời, sau đó mới báo cáo Chủ tịch UBND xã.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định để phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia giám sát việc thực hiện quyết định "cấm tiếp xúc".

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý khoản 1 Điều 27 quy định: "Công an cấp xã phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở để giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc".

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-tham-gia-giam-sat-viec-cam-tiep-xuc-nguoi-co-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh-20221026202257963.htm