Tổ chức chợ tạm và phiên chợ lưu động khi có dịch COVID-19 trong cộng đồng

Mặc dù tỉnh ta đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVID-19 nhưng hiện nay, số ca dương tính với virut SARS-CoV-2 trên cả nước chưa có dấu hiệu giảm, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng cao. Để chủ động cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân khi xuất hiện ca F0 trong cộng đồng, buộc phải tạm dừng các hoạt động các chợ truyền thống, chợ dân sinh do phong tỏa và các khu vực dân cư bị cách ly, Sở Công thương đã chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức chợ tạm và phiên chợ lưu động trên địa bàn tỉnh nhằm duy trì cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày và sức khỏe của nhân dân.

Siêu thị Vinmart chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong mùa dịch.

Siêu thị Vinmart chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong mùa dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Công thương đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh cần có phương án chủ động tích trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân.

Đến nay, các doanh nghiệp đã dự trữ đầy đủ, phong phú các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, thực phẩm chế biến, mì tôm, dầu ăn, nước mắm... đáp ứng nhu cầu của người dân khoảng từ 2-3 tháng trong điều kiện dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Cùng với đó, các đơn vị cũng cam kết bán hàng đúng giá niêm yết không để xảy ra tình trạng khan hiếm gây mất ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng

Bên cạnh việc đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng trong điều kiện dịch bệnh, các ngành, địa phương cũng nỗ lực phấn đấu tạo chuỗi liên kết hiệu quả, nhịp nhàng giữa việc bao tiêu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hàng hóa của nhân dân trong tỉnh sản xuất với khâu lưu thông, phân phối tại các chợ đến người tiêu dùng; đồng thời tranh thủ nguồn lực của các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động thương mại để cung ứng một số mặt hàng nhu yếu phẩm từ địa phương khác cho nhân dân trên địa bàn tỉnh hoặc xuất các mặt hàng, sản phẩm của tỉnh cho các địa phương khác trong các tình huống đặc biệt có thể xảy ra.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để chủ động khi chợ dân sinh phải dừng hoạt động do liên quan đến ca F0 hoặc không đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công thương đã xây dựng Kế hoạch tổ chức chợ tạm và phiên chợ lưu động trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân khu vực bị ảnh hưởng, thay thế cho chợ truyền thống, chợ dân sinh phải dừng hoạt động.

Theo kế hoạch của Sở Công thương, địa điểm bố trí chợ tạm phải đảm bảo đủ quỹ đất để bố trí các gian hàng, tối thiểu là 12 gian hàng theo quy chuẩn, cách nhau 2m và các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động của chợ đảm bảo phòng chống COVID-19; đảm bảo an toàn giao thông, PCCC và vệ sinh môi trường…

Toàn tỉnh dự kiến bố trí 98 chợ tạm, trong đó, thành phố Ninh Bình: 12 chợ; Thành phố Tam Điệp: 7 chợ; huyện Yên Khánh: 9 chợ; huyện Kim Sơn: 14 chợ; huyện Yên Mô: 14 chợ; huyện Hoa Lư: 11 chợ; huyện Gia Viễn: 17 chợ; huyện Nho Quan: 14 chợ. Việc bố trí các gian hàng đảm bảo theo từng khu vực phân loại mặt hàng; thông thoáng, dễ quan sát và đi lại mua bán thuận lợi, đường vào, lối ra bố trí 1 chiều có các khu vực kiểm tra đo thân nhiệt, khai báo y tế.

Trong từng khu, bố trí các gian hàng đảm bảo giãn cách tối thiểu 2 m giữa các gian hàng; lối đi tối thiểu 6 m. Các gian hàng đều phải có tấm chắn sáng ngăn cách giữa người mua và người bán, có kẻ vạch chỗ xếp hàng để mua thực phẩm với khoảng cách 2 m.

Cũng theo thông tin từ Sở Công thương, để chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, các chợ tạm chỉ kinh doanh những mặt hàng thiết yếu như hàng thực phẩm tươi sống, hàng công nghệ thực phẩm, lương thực theo nguyên tắc "4 tại chỗ", phát huy tối đa năng lực cung ứng hoàng hóa tại địa phương.

Trong đó, sử dụng nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối tham gia Chương trình bình ổn giá của tỉnh, các hộ kinh doanh đối với nhóm hàng công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến sẵn… Riêng đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm tươi sống chủ yếu sử dụng nguồn lực tại chỗ từ các trang trại, gia trại, hộ nông dân trên từng địa bàn xã, huyện, tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động nắm chắc tình hình thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại cơ sở, thống kê, rà soát quy mô sản xuất từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, đặc biệt chú trọng đến cây lương thực, rau, củ, đàn vật nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản… để đảm bảo sẵn sàng nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ cung ứng hàng hóa cho các chợ tạm.

Đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ và các hàng hóa thiết yếu khác như: mỳ tôm, muối, dầu ăn, nước uống đóng chai, nước mắm… nguồn hàng từ các đơn vị phân phối lớn và các thương nhân trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hóa kinh doanh tại chợ tạm.

Trường hợp xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ cung cấp cho thương nhân tại chợ tạm, UBND các huyện, thành phố nắm bắt sát diễn biến thị trường và nhu cầu các mặt hàng thiết yếu của người dân địa phương, phối hợp với Sở Công thương để chỉ đạo các đơn vị phân phối khác hỗ trợ, đưa hàng đến nơi thiếu hàng để cung ứng phục vụ người dân.

Trường hợp xảy ra hiện tượng thiếu hàng trên diện rộng, Sở Công Thương tổ chức kết nối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố hoặc kiến nghị với Bộ Công thương hỗ trợ công tác điều tiết nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác cung ứng cho tỉnh Ninh Bình.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Dù trong bất kỳ tình huống nào, tỉnh cũng đảm bảo hàng hóa cung ứng cho nhân dân không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Đảm bảo phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới các phương thức phục vụ cho phù hợp với diễn biến từng tình hình thực tế, khuyến khích người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, ngành Công thương cũng phối hợp với các địa phương phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online trực tuyến... Vì vậy, Sở Công thương khuyến cáo người dân yên tâm không tích trữ hàng hóa, không tập trung đông người tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/to-chuc-cho-tam-va-phien-cho-luu-dong-khi-co-dich-covid-19/d20210815123251207.htm