Quốc hội thảo luận về tổ chức, vận hành công việc của xã, phường mới
Theo các đại biểu Quốc hội, sau sắp xếp, địa bàn cấp xã sẽ rộng hơn, nhiệm vụ nhiều hơn, do vậy cần có cách thức tổ chức công việc của UBND cấp xã phù hợp để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Chiều 7-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.
Nhiều đại biểu đã nêu góp ý về việc phân cấp, phân quyền cũng như cách thức tổ chức công việc ở cấp xã để vận hành được thông suốt, bảo đảm phục vụ người dân được tốt nhất.
Làm rõ cơ chế phân công
Đại biểu (ĐB) Quốc hội Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) cho biết khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thì cấp xã sẽ là cấp chính quyền đầy đủ bao gồm cả HĐND và UBND.
Theo quy định của luật, cấp xã sẽ cơ bản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện và cấp xã hiện nay. “Với địa bàn rộng hơn, nhiệm vụ, quyền hạn nhiều hơn thì khối lượng công việc của cấp xã là rất lớn”- ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, cấp xã là cấp thực hiện chính sách và tập trung giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các thủ tục hành chính, dịch vụ công. Chính vì vậy, cách thức tổ chức công việc của UBND cấp xã rất quan trọng.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) góp ý tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QH
Khẳng định trong dự luật không thể quy định chi tiết được tất cả các vấn đề mang tính chất quản trị điều hành của cấp xã nhưng ĐB Hiển đề nghị cần có tính toán cụ thể những nội dung nêu trên. Theo ông, dự thảo luật hiện nay chỉ đặt ra việc cấp tỉnh phân cấp cho cấp xã, cấp tỉnh cũng có thể phân cấp cho các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cho đơn vị sự nghiệp ở cấp tỉnh. Còn cấp xã là cấp trực tiếp giải quyết công việc và không được phân cấp.
Với cơ cấu hiện nay, UBND cấp xã có chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên và có thể có cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, dự luật lại chưa đặt ra vấn đề phân cấp của UBND cấp xã cho các cơ quan này và cũng chưa quy định việc ủy quyền của chủ tịch UBND cấp xã cho công chức chuyên môn giải quyết công việc thuộc thẩm quyền. Lúc này mọi công việc sẽ do chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp xã ký.
“Tôi e rằng điều này sẽ dẫn đến khả năng dồn công việc lên cho chủ tịch và phó chủ tịch” – ông nói và bày tỏ băn khoăn mục tiêu giải quyết tốt hơn công việc của người dân sẽ gặp khó khăn.
Qua rà soát các quy định, UBND cấp huyện hiện có các phòng chuyên môn, có thẩm quyền riêng, có con dấu riêng và thực hiện các công việc theo quy định. Ông Hiển dẫn chứng Luật Xử lý vi phạm hành chính đang giao cho Phòng LĐ-TB&XH giải quyết một số công việc liên quan đến thủ tục đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hay theo nghị định của Chính phủ quy định về chứng thực thì UBND cấp huyện không thực hiện thủ tục chứng thực mà do phòng tư pháp làm; còn đối với một số UBND cấp xã ở các địa bàn tổ chức chính quyền đô thị như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… chủ tịch được ủy quyền cho cán bộ tư pháp - hộ tịch để ký chứng thực các văn bản.
“Từ ngày 1-7, khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp, các nghị quyết về chính quyền đô thị cùng các nghị định quy định về vấn đề này sẽ hết hiệu lực thi hành. Do vậy, cần tính toán kỹ lưỡng và có giải pháp phù hợp, nếu không công việc sẽ dồn lên cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã và có thể làm chậm quá trình giải quyết công việc cho người dân” – ĐB Hiển phân tích.
Có ý kiến cho rằng thay vì việc phân cấp thì có thể thông qua cơ chế phân công. Tuy nhiên, theo ông Hiển, dù là phân công thì cũng cần làm rõ cơ chế thực hiện ra sao. Lâu nay, chủ tịch phân công cho các phó chủ tịch, vậy bây giờ phân công cho các cơ quan chuyên môn, công chức làm các công việc chuyên môn của cấp xã thì cơ chế phân công này như thế nào?
"Việc ký văn bản, sử dụng con dấu và chế độ trách nhiệm ra sao cũng cần làm rõ”- ông Hiển nêu.

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Ảnh: QH
Đề xuất phát huy những ưu điểm của mô hình chính quyền đô thị
Cùng nội dung này, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho hay nghị quyết về chính quyền đô thị đang thực hiện ở bốn địa phương là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng có nội dung cho phép UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp – hộ tịch được ký chứng thực. Điều này đã góp phần giải phóng áp lực cho lãnh đạo phường và được người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện nay đã bãi bỏ các nghị quyết đặc thù này và tới đây TP.HCM sẽ không còn được cho phép thực hiện cơ chế ủy quyền chứng thực.
“Sau sắp xếp, TP.HCM có quy mô dân số rất lớn, khối lượng công việc cũng rất nhiều, nếu không có cơ chế ủy quyền thì chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã không thể nào làm nổi” – bà Hạnh nói và cho rằng nếu phải hẹn lại hồ sơ của người dân sẽ gây ách tắc rất lớn.
Do vậy, ĐB Hạnh đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm, tính toán về cơ chế phân cấp, ủy quyền. Bà Hạnh cũng đề xuất bổ sung nội dung “trừ trường hợp pháp luật khác có quy định về phân cấp, ủy quyền” vào điều 13 và 14 của dự luật về phân cấp, ủy quyền.
ĐB Phan Thị Thanh Phương (đoàn TP.HCM) nói theo hướng dẫn hiện nay chính quyền địa phương sẽ có một phó chủ tịch kiêm chánh văn phòng, chủ tịch sẽ kiêm giám đốc trung tâm hành chính công.
“Như vậy các lãnh đạo này gần như sẽ phải ngồi liên tục ở văn phòng để xử lý văn bản, giấy tờ” – bà Phương nói và cho rằng nên tính toán, có thể tiếp tục phát huy ưu điểm của mô hình chính quyền đô thị về phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới để giải quyết công việc được hiệu quả hơn.
Đánh giá nhiệm vụ của cấp xã sau sắp xếp sẽ thay đổi rất lớn, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) cho rằng cơ cấu bộ máy cấp xã lúc này phải đủ khả năng đảm nhiệm thêm toàn bộ nhiệm vụ của quận, huyện chuyển về ở mọi lĩnh vực.
Từ đó, ông đề xuất không nên quy định “cứng” số lượng công chức xã như trước đây, thậm chí cần bổ sung thêm để đảm bảo chất lượng giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.