Tổ chức đoàn giao thương theo vùng để thúc đẩy tiêu thụ đặc sản ở thị trường nước ngoài
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, khó kết nối tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài nếu đi riêng lẻ. Vì vậy, sắp tới Bộ Công thương sẽ thử nghiệm tổ chức các đoàn giao thương theo vùng để thúc đẩy tiêu thụ đặc sản ở thị trường nước ngoài.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tận dụng nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại” diễn ra ngày 26/8, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đưa sản phẩm ra thế giới rất cao. Các địa phương đi với quy mô từng đoàn nhỏ lẻ thì sẽ kém hiệu quả.
Đồng quan điểm cho rằng cần đẩy mạnh liên kết vùng trong việc tiêu thụ sản phẩm, ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn cho hay: “Việc xây dựng những điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không phải là của một mình tỉnh mình mà gọi là đa tỉnh, có nghĩa là hàng hóa trên địa bàn chúng tôi sẽ có mặt ở các điểm bán sản phẩm OCOP của các tỉnh bạn và ngược lại. Khi đó, sản phẩm OCOP của tỉnh bạn sẽ có mặt tại các điểm bán và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh chúng tôi để tăng cường giao lưu về mặt hàng hóa và đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện tại là họ có sản phẩm của các chủ thể hợp tác xã khác mà mình đang cần có”.
Ví dụ như miền núi thì cần hàng của miền xuôi, miền nông thôn thì cần hàng hóa ngoài đô thị hoặc đặc biệt là những miền núi như Bắc Kạn rất cần những món hàng là sản phẩm OCOP của miền biển như: Hải Phòng và Quảng Ninh…
Theo ông Sáng, các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài của địa phương cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Chẳng hạn như sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia và cũng đã được xuất sang châu Âu thường xuyên, đồng thời cũng nhận được những đánh giá rất cao của khách hàng nước ngoài.
Theo Bộ Công thương, những năm gần đây, liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng trong vùng đã góp phần đưa thương hiệu chè Tân Cương - Thái Nguyên có mặt ở khắp thị trường nội địa và được xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Nga, Vương quốc Anh…
Tương tự, việc tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa Hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã giúp sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể của tỉnh có mặt tại hầu hết các hệ thống phân phối như Co.opmart, Winmart, Lotte mart…
Với tỉnh Hải Dương, để đưa được vải thiều Thanh Hà sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ... tỉnh đã nỗ lực xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa chuyên nghiệp, xây dựng liên kết trong sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm vải thiều của tỉnh.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đánh giá, việc liên kết chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị của các sản phẩm nông sản hiện nay vẫn còn chưa chặt chẽ. Hoạt động chủ yếu vẫn là người nông dân tự chế biến và tiêu thụ. Số đơn vị, doanh nghiệp có liên kết với người nông dân chưa nhiều, chưa tạo được sản lượng lớn sản phẩm chế biến chất lượng cao.
Để khắc phục hạn chế trong xúc tiến thương mại ra nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ, Bộ Công thương đã xây dựng kế hoạch để các địa phương cùng tổ chức đoàn giao thương nước ngoài có quy mô hơn, mang nhiều sản phẩm giá trị hơn đến với thị trường nước ngoài, tạo nên hiệu ứng truyền thông cao hơn cho các doanh nghiệp. Hy vọng cách làm này sẽ tạo được hiệu ứng rõ rệt trong thời gian tới.