Tổ chức giao thông từ bước thiết kế dự án: thuận tiện thi công, khai thác

Trước đây, do chưa có các quy định cụ thể nên những tuyến đường khi xuất hiện bất cập sẽ được xem xét tổ chức giao thông theo giai đoạn. Tuy nhiên, theo Luật Đường bộ, từ ngày 1/1/2025, việc tổ chức giao thông phải được thực hiện ngay từ bước thiết kế dự án.

Các chuyên gia đánh giá, việc này sẽ giúp thuận tiện hơn trong quá trình thi công dự án cũng như khai thác tuyến đường về sau.

Cụ thể, rõ việc

Tổ chức giao thông là tập hợp những biện pháp nhằm điều chỉnh các hoạt động giao thông quy định tại Luật Đường bộ như: phân làn, phân luồng, phân tuyến; quy định các đoạn đường cấm đi, đường một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ… nhằm tăng khả năng thông xe, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 quy định: Việc tổ chức giao thông được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư, xây dựng đến giai đoạn quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả.

Nghị định 165/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ đã dành chương IV để quy định chi tiết về tổ chức giao thông và kết nối giao thông đường bộ trong từng giai đoạn cụ thể.

Giai đoạn lập quy hoạch bao gồm các yếu tố như: đánh giá nhu cầu vận tải, xác định các tuyến đường và các điểm giao cắt giữa đường chính với các tuyến đường bộ khác trong quy hoạch.

Giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế công trình đường bộ, trước khi đưa đường bộ đã hoàn thành đầu tư vào khai thác gồm: thiết kế chi tiết các loại báo hiệu đường bộ đối với từng đoạn đường, nút giao, phương hướng bố trí báo hiệu đường bộ, chiếu sáng, hệ thống quản lý giao thông thông minh.

Giai đoạn quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng công trình đường bộ là theo dõi, phát hiện các điểm hay xảy ra tai nạn, tiềm ẩn tai nạn, các bất cập về tổ chức giao thông, điểm hay xảy ra ùn tắc để có giải pháp điều chỉnh khắc phục bất cập.

Khi có hoạt động thi công xây dựng trên đường bộ đang khai thác việc tổ chức giao thông gồm: thực hiện điều chỉnh, bổ sung báo hiệu đường bộ; điều chỉnh, bổ sung công trình an toàn giao thông, đèn cảnh báo giao thông và chiếu sáng ban đêm; bố trí trực chốt phục vụ bảo đảm giao thông; Bố trí thời gian thực hiện tổ chức giao thông, thời gian phân làn, phân luồng giao thông.

Trước khi đưa đường cao tốc vào khai thác, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án tổ chức giao thông đường cao tốc trong thời gian khai thác phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phù hợp với kết cấu hạ tầng đường bộ đang khai thác, lưu lượng, tải trọng và các loại phương tiện tham gia giao thông trên tuyến...

Bảo đảm an toàn, giảm ùn tắc

Về việc bổ sung mới quy định tổ chức giao thông phải được thực hiện ngay từ bước thiết kế dự án, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước đây, các bước tổ chức giao thông chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định 165/2024/NĐ-CP đã quy định các công việc cụ thể, làm rõ công việc phải làm trong tổ chức giao thông từng giai đoạn, từ bước đầu tiên là lập dự án, thiết kế đến đưa công trình vào khai thác. Những công việc này được cụ thể hóa bằng các bản vẽ, khối lượng chi tiết trong đầu tư xây dựng giúp nâng cao hiệu quả thi công và năng lực thông hành cho tuyến đường.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, trong khai thác giao thông đường bộ phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, hạn chế tối đa tai nạn và tắc nghẽn giao thông lên hàng đầu.

Thực tế cho thấy, tại một số tuyến đường nội thị, quốc lộ và cao tốc được thi công ở giai đoạn trước, việc không được tổ chức giao thông ngay từ giai đoạn lập dự án đã dẫn đến nhiều bất cập trong lưu thông. Hơn nữa, khi các tuyến đường vượt quá năng lực thông hành việc điều chỉnh tổ chức giao thông theo giai đoạn cũng rất vất vả do tính kết nối kém.

Vì vậy, việc bổ sung quy định tổ chức giao thông ngay từ bước lập dự án là cần thiết để đảm bảo cho hoạt động di chuyển của người và phương tiện được thuận lợi, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực vận chuyển và phù hợp với mạng lưới giao thông chung với tầm nhìn dài hạn.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm, để tổ chức giao thông trong quá trình lập dự án đạt hiệu quả, cần lưu ý tuân thủ nghiêm việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật ở tất cả các bước phê duyệt đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, đến khai thác, tổ chức giao thông.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị quản lý tuyến đường thường xuyên theo dõi, phát hiện các bất cập để có giải pháp điều chỉnh. Nếu không kịp thời khắc phục phải có biện pháp xử lý trách nhiệm để không làm ảnh hưởng đến giao thông.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/to-chuc-giao-thong-tu-buoc-thiet-ke-du-an-thuan-tien-thi-cong-khai-thac.html