Tổ chức khủng bố Al-Qaeda khiến thế giới khiếp sợ như thế nào?

Hơn 40 năm qua, tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã trở thành nỗi ám của thế giới với vô số những vụ tấn công khiến nhiều người thiệt mạng, mà đỉnh điểm là vụ khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người.

Ra đời vào những năm 1980 trong cuộc chiến chống lại Liên Xô cũ tại Afghanistan, tổ chức khủng bố Al-Qaeda do Osama bin Laden dẫn đầu đã trở thành mối đe dọa qua nhiều thế hệ với người Mỹ.

Chính các cuộc tấn công khủng bố vào New York cách đây 20 năm đã khởi đầu cho cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm và mới vừa kết thúc sau cuộc rút quân hỗn loạn tại sân bay ở thủ đô Kabul cách đây ít ngày.

Hình ảnh một cuộc họp báo của Osama bin Laden ở Afghanistan hồi năm 1998 - Ảnh: internet

Tuy nhiên, đó không phải một cuộc chiến chống lại một quốc gia, một thể chế, mà là một mạng lưới lẩn khuất trong bóng tối, gồm những kẻ cung cấp tài chính, những tên khủng bố và đặc biệt những chiến binh đánh bom cảm tử.

Al-Qaeda vẫn hoạt động ngay cả sau khi thủ lĩnh Osama bin Laden bị giết dưới tay những lính Mỹ vào năm 2011 tại Pakistan. Thậm chí, những kẻ còn lại còn cố gắng tạo ra những vụ việc kinh khủng hơn.

Xuất xứ của Al-Qaeda

Al-Qaeda, có nghĩa là “Căn cứ” trong tiếng Ả Rập, được thành lập sau khi Liên Xô cũ rút khỏi Afghanistan. Với việc tận dụng sự hỗ trợ từ các "các chiến binh Mjahedeen” trong cuộc chiến chống lại Moscow trước đó, Bin Laden đã thành lập Al-Qaeda và trở thành thủ lĩnh. Hắn là con trai của một ông trùm xây dựng tại Ả Rập Xê Út, được hưởng thụ sự giàu có của gia đình.

Bin Laden từng yêu cầu các lực lượng Mỹ rút khỏi Ả Rập Xê Út, nơi có những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, song không được chấp thuận. Mỹ đã triển khai quân đội ở đó trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 vì cuộc xâm lược Kuwait của nhà độc tài Iraq - Saddam Hussein.

Các chiến binh Hồi giáo nổi dậy trong cuộc chiến với Liên Xô cũ vào ngày 27/12/1979. Rất nhiều người trong số họ đã gia nhập tổ chức Al-Qaeda sau này - Ảnh: AFP

Đỉnh điểm

Để rồi đến năm 1996, Bin Laden chính thức tuyên chiến với Mỹ. Nhưng phải đến khi những chiếc xe tải chở đầy chất nổ được kích hoạt bên ngoài các đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania, giết chết hơn 200 người vào ngày 7/8/1998, mối đe dọa mới trở thành hiện thực.

Sau đó, một vụ đánh bom liều chết của Al-Qaeda nhằm vào tàu USS Cole ngoài khơi Yemen vào năm 2000 cũng đã khiến 17 người chết. Rồi sau đó mới là các cuộc tấn công kinh hoàng vào ngày 11/09/2001, khiến gần 3.000 người tiệt mạng.

Osama Bin Laden chạy trốn khi Mỹ đưa quân đến Afghanistan. Song chỉ một thập kỷ sau, hắn mới bị truy lùng được ở Abbottabad, Pakistan, trước khi bị hạ sát vào tháng 2 năm 2011.

Tòa đại sứ Mỹ tại thủ đô Dar es Salaam, Tanzania bị Al-Qaeda đánh bom khủng bố vào năm1998 - Ảnh: AP

Al-Qaeda lớn mạnh

Ayman al-Zawahiri, một người Ai Cập đã trở thành thủ lĩnh Al-Qaeda sau cái chết của Bin Laden. Tuy nhiên, người này có vai trò mờ nhạt trong những năm gần đây và được cho rằng sức khỏe kém. Con trai của Bin Laden, Hamza, người trở thành nhân vật hàng đầu trong Al-Qaeda, sau đó cũng bị giết.

Tuy nhiên, dấu ấn quá lớn của Al-Qaeda trong vụ 11/09 đã khiến nó sinh sôi ra rất nhiều chi nhánh khủng bố mới tại Trung Đông, thậm chí lan ra cả Đông Nam Á hoặc châu Phi.

Một trong số đó đã trở thành cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, những kẻ thậm chí đã quay phim cảnh chặt đầu người. Hiện tổ chức này đã tiếp quản nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria và đang gây mối đe dọa mới cho thế giới.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/to-chuc-khung-bo-al-qaeda-khien-the-gioi-khiep-so-nhu-the-nao-post155643.html