Tổ chức kỳ thi riêng: Sử dụng chung kết quả tuyển sinh
Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố đề án tuyển sinh riêng năm 2023. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các trường ĐH lớn giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, hướng đến việc tổ chức các kỳ thi riêng để có 'đầu vào' phù hợp là xu hướng tất yếu.
Hiện cả nước có 5 cơ sở giáo dục ĐH tự tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, hệ thống các trường Công an cũng có kỳ thi riêng.
Theo thông tin mới nhất từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 2023, trường dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực 1-2 đợt vào tháng 4 và tháng 5, sau khi học sinh đã học xong chương trình phổ thông.
Đề án tổ chức kỳ thi độc lập của trường được xây dựng nhằm đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển và phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh để tuyển chọn được sinh viên phù hợp vào một số khối ngành, nhóm ngành đào tạo trình độ đại học. Đề án cũng nhằm xác lập cơ sở pháp lý cho ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển sinh vào các ngành đào tạo của trường, đồng thời cung cấp kết quả để các trường ĐH khác xét tuyển nếu có nhu cầu.
Theo đó, đối tượng dự thi là học sinh lớp 12 hoặc thí sinh đã tốt nghiệp THPT có nhu cầu thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học. Nội dung các bài thi sẽ tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT học sinh đã quen thuộc.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, nhà trường sẽ tiến hành khảo sát chất lượng đào tạo của thí sinh trúng tuyển bằng thi đánh giá năng lực và thí sinh trúng tuyển bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng nhằm so sánh, đánh giá kết quả học tập.
Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 20-30% chỉ tiêu từng ngành. Số chỉ tiêu còn lại vẫn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
Trước đó, đã có nhiều trường ĐH ở cả phía Nam và phía Bắc đã công bố sớm phương án tuyển sinh ĐH 2023. Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, việc sớm công bố thông tin tuyển sinh 2023 sẽ giúp cho phụ huynh và thí sinh có thể chuẩn bị, chọn lựa phương án xét tuyển tốt nhất. Việc công bố phương thức tuyển sinh riêng của các trường cho thấy, đã có sự điều chỉnh chủ yếu theo hướng giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và loại bỏ bớt các phương thức tuyển sinh phức tạp, gây “nhiễu” hệ thống.
ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, năm 2023, trường tiếp tục giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với một số ngành. Trong đó, kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách Khoa tổ chức sẽ tổ chức 3 đợt, vào tháng 5, 6 và 7/2023, tăng 2 đợt so với năm 2022.
Còn tại ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Năm 2023 Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai các đợt thi đánh giá năng lực trong tháng 3 đến tháng 6 với quy mô dự kiến 100 nghìn lượt thi tại 8 tỉnh, thành trong cả nước như năm 2022. Mục tiêu là đảm bảo an toàn, chất lượng thí sinh để đáp ứng đúng nhu cầu của các trường ĐH trong và ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.
Năm 2022 kỳ thi đánh giá năng lực được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đã có 50 trường ĐH đăng ký lấy kết quả tuyển sinh; Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM có tới 81 trường ĐH phía Nam lấy kết quả để xét tuyển sinh; Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội đã có 21 trường ĐH sử dụng kết quả tuyển sinh.