Tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Căn cước
Tại cuộc họp, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Ngọc Diễm cho biết, trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Căn cước (7 chương, 46 điều). Qua đó, có 151 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, đa số đều tán thành về sự cần thiết ban hành luật này, cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.
Trên cơ sở nội dung gợi ý, các sở, ban ngành liên quan đã đóng góp về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án luật; nguyên tắc quản lý căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước; các hành vi bị nghiêm cấm; thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước…
Đối với dự án Luật Căn cước, có 2 phương án lựa chọn, một là giữ nguyên tên gọi dự án luật do Chính phủ trình là “Luật Căn cước”, hai là để tên gọi luật như cũ là “Luật Căn cước công dân”. Qua thảo luận, đại biểu thống nhất chọn phương án 1, giữ tên gọi dự án luật do Chính phủ trình là “Luật Căn cước”. Đồng thời, thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014, nhằm tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, góp phần tạo bước đột phá về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số ở nước ta.