Tổ chức sản xuất ứng phó với thiên tai trong vụ hè thu và thu đông

Ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc lấy tuần lễ từ ngày 15- 22/5 hằng năm là Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai. Chủ đề của Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2021 là 'Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai'. Đối với tỉnh Quảng Trị, Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai nhằm vào thời điểm nông dân toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ đông xuân, triển khai sản xuất vụ hè thu và thu đông. Nằm trong địa bàn thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các loại hình thiên tai, trong điều kiện thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay, việc triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang đặt ra rất quan trọng và cấp bách.

 Sau khi hoàn tất thu hoạch lúa vụ đông xuân, nông dân triển khai ngay sản xuất vụ hè thu để kịp tiến độ - Ảnh: Đ.T

Sau khi hoàn tất thu hoạch lúa vụ đông xuân, nông dân triển khai ngay sản xuất vụ hè thu để kịp tiến độ - Ảnh: Đ.T

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sản xuất nông nghiệp vụ hè thu và thu đông năm 2021 của tỉnh dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, kèm theo thiên tai diễn biến khó lường. Bên cạnh đó là dịch bệnh trên cây trồng luôn có nguy cơ bùng phát nếu không quan tâm dự báo, xử lý sớm; COVID-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho nền kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có sản xuất nông nghiệp và tác động đến đời sống, thu nhập của người dân.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, vụ hè thu năm 2021 nắng nóng có thể xảy ra gay gắt, tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 với tần suất 2-3 đợt/ tháng, trong đó tháng 8, 9 nhiệt độ dự báo cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1 độ C. Lượng mưa dự báo xấp xỉ dưới TBNN, lưu ý cuối tháng 5 đầu tháng 6 có khả năng xuất hiện mưa tiểu mãn, tháng 7 đến tháng 9 dự báo lượng mưa ở mức thấp hơn đến xấp xỉ TBNN (đạt từ 80- 90% TBNN). Mùa lũ năm 2021 có khả năng xuất hiện từ 4 - 5 đợt lũ, thời kỳ xuất hiện đỉnh lũ lớn nhất năm vào khoảng tháng 10. Mặt khác, nhiều công trình thủy lợi ở các địa phương trong tỉnh bị hư hỏng do các đợt lũ lớn cuối năm 2020 tàn phá đến nay vẫn chưa khắc phục xong, gây khó khăn cho triển khai sản xuất nông nghiệp những vụ kế tiếp.

Để tổ chức sản xuất thắng lợi vụ hè thu và thu đông năm 2021 đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, ngày 29/4/2021, UBND tỉnh ban hành Phương án tổ chức sản xuất ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và nâng cao giá trị gia tăng trong vụ hè thu và thu đông năm 2021. Mục tiêu của phương án là chuyển đổi 378,24 ha đất lúa thiếu nước sang sản xuất cây trồng cạn, trong đó trồng ngô 40,6 ha, trồng đậu các loại 215,34 ha, trồng rau màu các loại 16,5 ha, trồng các loại cây khác 105,8 ha. Xây dựng 6.073 ha lúa sản xuất theo cánh đồng lớn có liên kết.

Để thực hiện hiệu quả phương án trên, việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các giải pháp trong ứng phó với thiên tai, dịch bệnh là rất quan trọng. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ giải pháp về thủy lợi; chủ động nắm chắc diễn biến của dịch bệnh để phòng trừ hiệu quả; quan tâm mời gọi, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để phát triển các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gia trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm. Đồng thời với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với diện tích đảm bảo nước tưới, tập trung thâm canh, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến cáo nông dân ưu tiên ứng dụng các quy trình, công nghệ sản xuất phù hợp, sử dụng giống lúa mới, ngắn ngày và cực ngắn nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tiết kiệm nước tưới, chi phí, thu hoạch sớm nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai diễn biến khó lường, đảm bảo năng suất, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Đối với diện tích thiếu nước tưới, tập trung rà soát khoanh vùng, chỉ đạo, khuyến cáo người dân tích cực chuyển đổi sang sản xuất cây trồng cạn hoặc các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện từng vùng.

Theo phương án, sẽ áp dụng giải pháp về cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Về hỗ trợ giá giống thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đối với vùng đồng bằng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, Nhân dân đối ứng 50%; đối với vùng miền núi, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%, Nhân dân đối ứng 30%. Hỗ trợ kinh phí làm đất thực hiện chuyển đổi, ngân sách huyện hỗ trợ 50%, Nhân dân đóng góp 50%. Hỗ trợ giá giống lúa xây dựng cánh đồng lớn theo hướng hữu cơ, có liên kết, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, Nhân dân đối ứng 50%; định mức hỗ trợ 500.000 đồng/ha. Tổng kinh phí thực hiện phương án là trên 4,4 tỉ đồng.

Cùng với việc triển khai Phương án tổ chức sản xuất ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và nâng cao giá trị gia tăng trong vụ hè thu và thu đông năm 2021, UBND tỉnh cũng đã quyết liệt chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ; tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2021… Tất cả hướng đến sự chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, đảm bảo triển khai sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh an toàn, thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=157714&title=to-chuc-san-xuat-ung-pho-voi-thien-tai-trong-vu-he-thu-va-thu-dong