Tổ chức tâm tang thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tang lễ của thiền sư Thích Nhất Hạnh được tổ chức theo hình thức tâm tang tại chùa Từ Hiếu trong 7 ngày và sau đó hỏa thiêu rồi an vị nhiều nơi
Rạng sáng 22-1, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch sau hơn 3 năm trở về tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) an dưỡng. Trong sáng sớm, nhiều phật tử hay tin đã tìm đến chùa Từ Hiếu để tưởng niệm thiền sư mà mình kính trọng.
Có mặt tại chùa Từ Hiếu từ sớm, ông Lê Văn Hòa (80 tuổi; ngụ phường Thủy Xuân), cho biết mình đã đến chùa Từ Hiếu từ lúc còn nhỏ và may mắn gặp được thiền sư Thích Nhất Hạnh. "Thiền sư là một vị chân tu, đã có nhiều cống hiến to lớn trong cộng đồng Phật giáo khắp thế giới. Những cuốn sách của sư ông rất giá trị, tôi luôn cập nhật và may mắn đọc được rất nhiều trong số đó".
Thượng tọa Thích Từ Đạo, giám tự chùa Từ Hiếu, thông tin cách đây 5-7 năm, khi còn khỏe mạnh, thiền sư đã có những di huấn về sự ra đi của mình. Theo di huấn của thiền sư, nhà chùa sẽ tổ chức tang lễ trong im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh với nghi thức tâm tang. Di huấn của thiền sư Thích Nhất Hạnh có đoạn viết: "Thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở tổ đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền. Thầy không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của thầy bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao!? Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có thầy!".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên thật Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926, tại làng Thành Trung (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông xuất gia khi 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu. Trong bài viết: "Đôi nét về thiền sư Thích Nhất Hạnh" đăng trên cộng đồng Làng Mai, khẳng định thiền sư là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình.
Năm 1956, thiền sư làm Tổng Biên tập Báo Phật giáo Việt Nam. Năm 1961, thiền sư Thích Nhất Hạnh rời Việt Nam sang Mỹ để nghiên cứu về đề tài "Tôn giáo học so sánh" (Comparative Religion) tại Đại học Princeton, sau đó giảng dạy và nghiên cứu về đạo Phật tại Đại học Columbia. Sau đó, khi về lại Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh, Nhà Xuất bản Lá Bối, tuần san Hải Triều Âm và Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội - một tổ chức hỗ trợ tái thiết nông thôn với 10.000 cộng tác viên.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành trọn cuộc đời mình để tu tập, giảng dạy giúp mọi người lấy sự chuyển hóa tự thân làm nền tảng cho hạnh phúc của cá nhân và cả xã hội.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/to-chuc-tam-tang-thien-su-thich-nhat-hanh-20220122213817224.htm