Tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính: Kiến tạo mô thức mới trong thi cử

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thí điểm tổ chức thi trên máy tính tại một số địa phương từ 2027, tiến tới thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Tham gia khảo sát PISA là bài học thực tiễn, giúp Việt Nam triển khai thuận lợi Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Tham gia khảo sát PISA là bài học thực tiễn, giúp Việt Nam triển khai thuận lợi Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Khẳng định tính phù hợp, sự cần thiết của việc này, các chuyên gia, nhà giáo nhận diện khó khăn và đề xuất việc cần làm để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng.

Bước đi chiến lược

TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chuyển đổi phương thức thi trên máy tính là bước đi chiến lược, phản ánh xu thế tất yếu của giáo dục trong kỷ nguyên số. Nhận định này được ông lý giải với 4 trụ cột chính.

Thứ nhất, nâng cao tính khách quan, minh bạch, công bằng trong giáo dục. Công nghệ giám sát tiên tiến (nhận diện khuôn mặt, giám sát hành vi, khóa ứng dụng, chống can thiệp ngoại vi…) và trộn đề thi ngẫu nhiên, giúp chống gian lận hiệu quả; thực hiện chấm thi tự động, loại bỏ chủ quan, giảm sai sót, đảm bảo chính xác. Toàn bộ dữ liệu thi được mã hóa, lưu trữ an toàn, giảm rủi ro lộ đề hay sửa điểm.

Thứ hai, tăng cường hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Hệ thống tự động hóa các quy trình chức năng của kỳ thi, cho phép đăng ký, tổ chức, chấm thi, công bố kết quả, giám sát và hậu kiểm, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí. Khả năng tổ chức thi nhiều đợt, nhiều ca, nhiều địa điểm mang lại linh hoạt, giảm áp lực cơ sở vật chất.

Thứ ba, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục và công nghệ số; thích ứng với môi trường học tập, làm việc số. Hình thức này đồng bộ với nhiều kỳ thi chuẩn hóa quốc tế, tạo điều kiện hội nhập giáo dục toàn cầu và thúc đẩy đổi mới giáo dục, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ mới trong giáo dục.

Thứ tư, dữ liệu lớn và chi tiết về năng lực học sinh từ bài thi trên máy tính - nguồn tài nguyên quý giá để phân tích, đánh giá hiệu quả giảng dạy, cải thiện chương trình giáo dục - sẽ làm thay đổi triết lý về khảo thí. Đó là chuyển từ chấm điểm đơn thuần sang phân tích dữ liệu giáo dục, thúc đẩy cá nhân hóa học tập dựa trên bằng chứng, xây dựng hồ sơ số cá nhân của người học để kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, phục vụ mục đích an sinh xã hội, phát triển con người.

Cũng theo TS Tôn Quang Cường, việc “chuyển hóa” Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương thức này không chỉ giải quyết đúng trọng tâm, trọng điểm về mục đích của kỳ thi, mà còn tạo ra “cú hích” mang tính chiến lược, với tác động toàn diện, sâu rộng trong giáo dục.

Từ thực tiễn giáo dục phổ thông, bà Phan Hoàng Tú Nga - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Việt (Vĩnh Long) cũng cho rằng, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính cần thiết, quan trọng, tạo môi trường thi cử chuyên nghiệp, hiện đại. Cách thức này giảm thiểu tối đa sai sót do con người, hạn chế tiêu cực như gian lận, lộ đề.

Không cần in ấn, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi giấy, giảm áp lực cho giám thị, cán bộ coi thi trong quản lý, thu nhận bài thi. Kết quả được chấm tự động, khách quan, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. Dữ liệu thi được số hóa, giúp quản lý, thống kê, phân tích kết quả nhanh chóng, chính xác hơn, điều chỉnh, cập nhật khi có thay đổi cũng linh hoạt hơn…

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Cần chuẩn bị kỹ, toàn diện

Bên cạnh nhiều khẳng định lợi ích khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, bà Phan Hoàng Tú Nga cũng chỉ ra thách thức triển khai. Theo đó, đầu tiên là hạ tầng công nghệ thông tin (chưa đồng bộ). Nhiều địa phương, đặc biệt vùng sâu, xa còn thiếu trang thiết bị máy tính; hạn chế về đường truyền Internet và hệ thống điện lưới, cũng như năng lực sử dụng máy tính của học sinh, giáo viên.

Vấn đề an ninh, bảo mật dữ liệu, đảm bảo an toàn, bảo mật tuyệt đối cho đề thi, bài thi và kết quả không dễ, chi phí đầu tư ban đầu lớn. Thí sinh, phụ huynh, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đã quen với hình thức thi truyền thống. Trong quá trình thi, có thể phát sinh sự cố về mạng, phần cứng, phần mềm…

Từ đó, bà Phan Hoàng Tú Nga cho rằng, cần xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy chế thi mới phù hợp hình thức thi trên máy tính, đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch. Các điều kiện để tổ chức kỳ thi cần được chuẩn bị kỹ, như: Hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại; đào tạo, nâng cao năng lực cho học sinh, cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi…

TS Lê Quang Minh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận đinh, tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính hoàn toàn phù hợp, khả thi. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả cần chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện. Trong đó, trước hết cần hệ thống văn bản pháp lý rõ ràng, cụ thể. Đây là điều kiện tiên quyết triển khai kỳ thi trên diện rộng một cách đồng bộ, đảm bảo an toàn, minh bạch, hiệu quả.

Theo TS Lê Quang Minh, một trong những thách thức khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính là khoảng cách số, sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận công nghệ giữa các vùng miền. Do đó, cần lộ trình đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin tại các trường học, trang bị máy tính kết nối Internet, tạo điều kiện để học sinh thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính.

Cùng đó, tổ chức thi trên máy tính đòi hỏi ngân hàng đề phải phong phú, đảm bảo đủ số lượng, tính khoa học, sư phạm, khả năng đánh giá chính xác năng lực người học. Đề thi cần tương đồng giữa các đợt, tránh sai lệch về độ khó. Điều này đặc biệt quan trọng khi tổ chức thi nhiều đợt cho số lượng thí sinh lên đến con số triệu mỗi năm.

Việc xây dựng ngân hàng đề lớn đòi hỏi phải có đội ngũ ra đề chuyên nghiệp. Cần nghiên cứu ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ người ra đề, sinh đề tự động theo mô hình huấn luyện chuyên biệt. “Đề thi chính là khâu cần quan tâm chuẩn bị bài bản nhất nếu tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính”, TS Lê Quang Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đề cập đến yêu cầu phần mềm tổ chức thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật, chống gian lận. Không gian phòng thi phải đạt chuẩn, có hệ thống giám sát như camera trước - sau. Phần mềm chấm thi cần thông minh, được thiết kế chi tiết để xử lý các tình huống đa dạng của bài làm.

Quy trình xây dựng phần mềm cần thông qua hội đồng chuyên môn, kiểm thử nghiêm ngặt, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối trước khi triển khai chính thức. Cùng đó là hạ tầng công nghệ, hạ tầng mạng cực kỳ ổn định, tốc độ cao, tính đến phương án dự phòng. Bởi chỉ cần vài thí sinh gặp trục trặc kết nối khi thi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ kỳ thi.

Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong muốn tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đi vào thực tế càng sớm càng tốt. Triển khai việc này sẽ kéo theo cả hệ thống đổi mới, sáng tạo, được vận hành đồng bộ trên nền tảng số, tạo thành trục xoay chuyển các phương diện khác của hoạt động giáo dục và ý thức xã hội về giáo dục hiện nay. - TS.Tôn Quang Cường

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/to-chuc-thi-tot-nghiep-thpt-tren-may-tinh-kien-tao-mo-thuc-moi-trong-thi-cu-post737915.html