Tổ chức tội phạm rửa tiền qua trung gian thanh toán

Từ năm 2013 đến tháng 6/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp nhận 8.219 báo cáo giao dịch đáng ngờ. Từ kết quả phân tích NHNN đã chuyển giao 721 vụ việc liên quan đến 4.438 báo cáo giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan chức năng…

NHNN đang lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền (PCRT)

Theo NHNN, sau gần 6 năm thực hiện, Nghị định 116 cùng với Luật PCRT đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác PCRT. Cụ thể là Nghị định 116 đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCRT về các biện PCRT, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về PCRT, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong PCRT. Theo đó, Nghị định 116 đã giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các đối tượng báo cáo triển khai thực hiện một số quy định của Luật PCRT...

Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ vào vòng kiểm soát chống rửa tiền

Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ vào vòng kiểm soát chống rửa tiền

Sau khi Nghị định 116 được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện các quy định của pháp luật được các đối tượng báo cáo chú trọng triển khai, số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ do các đối tượng báo cáo gửi cho NHNN tăng dần qua các năm. Cụ thể, từ năm 2013 đến tháng 6/2019, NHNN đã tiếp nhận 8219 báo cáo giao dịch đáng ngờ, nhiều gấp gần 4 lần so với giai đoạn chưa có Luật PCRT và Nghị định 116. Từ kết quả phân tích báo cáo giao dịch đáng ngờ, từ năm 2013 đến tháng 6/2019, NHNN đã chuyển giao 721 vụ việc liên quan đến 4.438 báo cáo giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sớm được chỉnh sửa, bổ sung để góp phần triển khai có hiệu quả cơ chế PCRT của Việt Nam.

Cụ thể, Thông qua kết quả đánh giá rủi ro quốc gia và thực tế phát sinh cho thấy một số tổ chức tiềm ẩn nguy cơ cao bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền hoặc một số tổ chức có điều kiện phát hiện những giao dịch đáng ngờ nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể cách thức báo cáo tại Nghị định 116 để trên cơ sở đó quy định các đối tượng này phải triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền hoặc phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo về phòng, chống rửa tiền.

Chưa quy định trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng nên chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế về vấn đề này. Bên cạnh đó tỷ lệ % sở hữu vốn điều lệ/vốn góp của cá nhân có quyền chi phối pháp nhân chưa phù hợp với thực tiễn và gây khó khăn cho đối tượng báo cáo trong quá trình triển khai thực hiện quy định này.

Quy định về nhận dạng và xác minh thông tin nhận dạng chủ sở hữu hưởng lợi đối với khách hàng là tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức có một hoặc nhiều bên tham gia góp vốn là cá nhân, tổ chức nước ngoài, đối tượng báo cáo phải xác minh bổ sung thông tin nhận biết cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài đó bằng cách sử dụng các tài liệu, dữ liệu do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp. Quy định này không khả thi vì khách hàng hoặc đối tượng báo cáo không có được các tài liệu, dữ liệu do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

Nội dung về phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro chưa cụ thể, thiếu và chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Chưa quy định các biện pháp nhận biết khách hàng giản đơn đối với khách hàng có mức độ rủi ro rửa tiền thấp. Quy định việc đối tượng báo cáo phải gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ cung cấp dịch vụ liên quan tới công nghệ mới cho khách hàng đã gây ra một số bất cập khi đối tượng báo cáo phát triển, cung ứng một số dịch vụ gắn với công nghệ hiện đại trong thời đại kỹ thuật số.

Từ những hạn chế đó cho thấy cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định về PCRT để bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Dự thảo Nghị định sẽ góp phần hướng dẫn chi tiết các nội dung mà Luật PCRT chưa quy định cụ thể và là cơ sở quan trọng để các tổ chức quốc tế về PCRT như FATF hoặc APG đánh giá tính đầy đủ, toàn diện trong cơ chế PCRT của Việt Nam trong lần đánh giá năm 2019.

Cụ thể, Nghị định 116 chưa quy định đối tượng áp dụng đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các dịch vụ tài chính, tiền tệ ngân hàng có nhiều thay đổi so với các dịch vụ truyền thống trước đây, căn cứ vào quy định của pháp luật và qua đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam đã xác định các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lạm dụng để thực hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố. Do đó Dự thảo quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp PCRT như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính.

Dự thảo Nghị định còn bổ sung yêu cầu đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng, sửa quy định về các tiêu chí xác thực nhận dạng chủ sở hữu hưởng lợi và sửa đổi tăng tỷ lệ sở hữu của cá nhân có quyền chi phối pháp nhân nhằm đáp ứng được chuẩn mực quốc tế về vấn đề này. Bổ sung quy định, căn cứ kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố tại đối tượng báo cáo. Theo đó, đối tượng báo cáo được áp dụng các biện pháp đơn giản hóa trong việc nhận biết khách hàng đối với những khách hàng được xác định có mức rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố thấp.

Về trách nhiệm chia sẻ thông tin, Dự thảo quy định đối tượng báo cáo cáo được chia sẻ thông tin về khách hàng và các giao dịch cho Hội sở, các chi nhánh của ngân hàng mẹ hoặc tập đoàn tài chính để phòng, tránh rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Các thông tin được chia sẻ chỉ được phép sử dụng cho mục đích phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Bên được cung cấp, chia sẻ thông tin không được phép cung cấp hay chia sẻ cho bên thứ ba dưới bất kỳ hình thức nào.

Về trì hoãn giao dịch, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay bằng văn bản và thông báo ngay bằng điện thoại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời báo cáo NHNN.

Lam Giang

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/to-chuc-toi-pham-rua-tien-qua-trung-gian-thanh-toan-23919.html