Tổ chức tổng kết hoạt động ngành Công Thương năm 2023
Năm 2023, Sở Công Thương đã chủ động triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công Thương, tập trung triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả nên hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển.
Kết quả, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 4,88% so với năm 2022. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 26.366 tỷ đồng, tăng 6,59% so với năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 87.972 tỷ đồng, vượt 9,97% kế hoạch, tăng 23,85% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu ước 1.500 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, giảm 1,16% so với năm 2022, chủ yếu do giảm xuất khẩu thủy sản (ước 925 triệu USD, đạt 80,43% kế hoạch, giảm 11,14%), xuất khẩu gạo và hàng may mặc tăng mạnh (gạo ước 450 triệu USD, tăng 33,93%; hàng may mặc ước 120 triệu USD, tăng tương đương năm 2022).
Các dự án đầu tư cụm công nghiệp, dự án năng lượng tái tạo được nhiều nhà đầu tư quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác quản lý nhà nước được tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời xử lý những vấn đề cấp bách trên lĩnh vực quản lý, nhất là đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu; giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án điện gió…
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình triển khai các dự án cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1, 2 và các dự án sản xuất công nghiệp tại các cụm công nghiệp; giải pháp thực hiện kích cầu thương mại trong năm 2023 và công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024…
Năm 2024, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%; gía trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1.500 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 2,31%. Trong đó tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng năng lượng; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp Sóc Trăng có lợi thế như công nghiệp chế biến thủy, hải sản, công nghiệp sản xuất điện và các ngành hàng khai thác thế mạnh nguyên, vật liệu của địa phương. Tăng cường các hoạt động kích cầu thị trường nội địa; đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu dùng, hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo sức cung cầu ngày một lớn và ổn định đối với sản phẩm Sóc Trăng. Bảo đảm nhu cầu điện sản xuất, sinh hoạt. Khuyến khích các loại hình, ngành hàng đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến mục tiêu hình thành từng bước nền kinh tế tuần hoàn…