Tổ chức xã hội cổ truyền ở Hòa Bình
Ở khu vực người Mường, nhà nóc (gia đình), họ tộc là hạt nhân cơ bản và nền tảng trong xã hội cổ truyền của người Mường ở Hòa Bình. Mỗi nhà nóc gồm cha mẹ và các con trai, gái, dâu, rể cùng sống chung dưới một mái nhà, có chung một nền kinh tế. Các nhà nóc có chung một dòng máu về phía bố, tập hợp nhau thành họ tộc, chung sức khai phá đất đai và họ tộc ấy có thể là chủ nhân duy nhất của một điểm dân cư hoặc phân tán, xen kẽ với nhiều dòng họ khác trong một động lớn mà sau này gọi là Mường, có khi tới hàng trăm làng xóm lớn nhỏ.
Ở mỗi điểm tụ cư như thế, anh em họ hàng thường làm nhà gần nhau. Quan hệ nhà nóc của người Mường mang tính phụ quyền rõ nét. Người cha, người chồng, con trai trưởng được coi là trụ cột, là chủ nhà nóc, có quyền quyết định mọi việc quan trọng về làm ăn, tang ma, cưới hỏi, cúng giỗ, tế lễ, ứng xử với xóm giềng và họ tộc cũng như với bộ máy chức sắc ở địa phương. Mọi thứ như ruộng nương, trâu, bò của nhà nóc khi cha mẹ về già đều nằm trong tay người con trai trưởng.
Đặc trưng của tổ chức xã hội người Mường là chế độ nhà lang ra đời đồng thời với sự hình thành quê, bủng, lũng, làng và mường, không phân thành giai cấp mà chỉ tạo ra hai đẳng cấp khép kín, không có sự chuyển hóa lẫn nhau, trong đó, các lang hợp thành tầng lớp trên, tầng lớp thống trị, còn lớp dưới là những người bình dân. Tầng lớp thống trị nhà lang hợp thành những tông tộc phụ hệ chiếm lĩnh một mường, được các triều đại cũ gọi bằng các tên khác như thổ tù, phụ đạo, còn tầng lớp bị trị được gọi chung là mol mường (người ở trong mường), không tập hợp nhau thành họ tộc mà phân tán trong nhiều mường thành các gia đình nhỏ, hoặc gồm nhiều gia đình cùng họ tộc nhưng cư trú ở những mường khác nhau.
Tổ chức bộ máy nhà lang phỏng theo thứ bậc trong tổ chức họ tộc: Con trai trưởng nhánh chính được cai quản toàn mường - trong thực tế chỉ là mường chiềng, mường trung tâm, gọi là lang cun; con trai trưởng của nhánh thứ chỉ quản các làng trại được gọi là lang đạo, phụ thuộc vào lang cun, vì trên danh nghĩa, lang cun vừa là chủ chiềng vừa là chủ toàn mường. Nhìn chung, chế độ nhà lang trong khu vực người Mường ở Hòa Bình được kết cấu theo công thức mường có lang, làng có đạo, nhưng cách gọi từng loại lang và đội ngũ giúp việc từng giai đoạn không giống nhau.
Lang cun, lang đạo có đội ngũ giúp việc gọi là ậu - được chọn trong mường, số lượng nhiều hay ít tùy theo thế lực của lang. Ậu Eng (ậu anh - ậu cả) giữ vị trí cao nhất. Ậu Ún (ậu em - ậu con) có vị trí thấp hơn, dùng để sai khiến. Ậu không cha truyền con nối mà do chỉ định. Đối với lang cun, ậu còn được gọi là chắc cả, ậu lớn đứng đầu toàn bộ hệ thống ậu chiềng, có thể thay lang trong việc tiếp xúc với dân chúng. Đối với lang đạo, ậu khà đứng đầu, có thể thay mặt nhà lang tiếp xúc với dân trong xóm. Bên dưới ậu lớn, ậu khà là các ậu bàn làm các công việc cụ thể.
Trong xã hội Mường cổ truyền, chủ yếu gồm hai đẳng cấp: Tông tộc nhà lang và tầng lớp bị trị, gồm những người dân ở trong mường. Sự hình thành hai tầng lớp này từ lâu đời, cố định, dường như không chuyển đổi cho nhau.
Chế độ nhà lang tồn tại trên cơ sở xã hội thừa nhận tập quán truyền thống cha truyền con nối, được cố định thành luật lệ Mường truyền đời. Về mặt kinh tế, chế độ nhà lang dựa vào quyền chiếm hữu và khai thác ruộng lang. Thông qua chế độ ruộng lang, nhà lang thể hiện tương đối đầy đủ quyền lực thống trị của mình ở từng mường.
Ở khu vực người Thái: Vào khoảng cuối thế kỷ XIII, người Thái từ vùng Bắc Hà (Lào Cai) xuôi theo sông Hồng và rẽ vào miền sông Đà đến cư trú ở Mường Mùn (tên gọi Mai Châu từ đời Lê thế kỷ XV). Theo tư liệu lịch sử, tổ chức xã hội Thái ở Mai Châu từ thời Lê thế kỷ XV gồm 3 cấp: Trên cùng là châu - châu Mường Mùn - do tạo châu tương đương với chức án nha ở vùng người Thái Sơn La cai quản. Trụ sở châu Mường Mùn xưa đóng ở Chiềng Châu (nay là xã Chiềng Châu - Mai Châu). Giúp việc tạo châu có Hội đồng bô lão (thẩu ké) - thực chất là những cố vấn, gồm người già có nhiều kinh nghiệm sống, trợ thủ đắc lực cho tạo châu. Dưới châu là mường, châu gồm 4 mường: Mường Hạ, Mường Thượng, Mường Pa và Mường Hịch. Đứng đầu mỗi mường là tạo Mường thuộc dòng dõi chúa đất địa phương được thế tập. Dưới mường là bản, người đứng đầu bản là tạo bản cũng thuộc dòng dõi chúa đất địa phương.
Chế độ đó đã đưa đến sự hình thành của bộ luật Thái mà ít nơi nào có được, trong đó có Luật Mường. Luật Mường của dân tộc Thái ở Mai Châu là một trong số những bộ luật cổ còn lại đến ngày nay có giá trị, đóng góp vào kho tàng văn hóa nước nhà. Trong đó, luật đã phản ánh tương đối khách quan xã hội cổ truyền, đặc biệt đáng chú ý là tính chất giai cấp rõ nét của chế độ tạo, giúp thêm việc nhận diện chế độ tạo - một hình thức tổ chức xã hội cổ truyền điển hình của người Thái ở Mai Châu.
Qua việc tìm hiểu chế độ nhà lang của người Mường, chế độ tạo của người Thái ở Mai Châu, có thể thấy rõ hơn thiết chế xã hội cổ truyền đặc thù - cơ sở xã hội của cộng đồng các dân tộc anh em cư trú trên mảnh đất Hòa Bình.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/40/154290/to-chuc-xa-hoi-co-truyen-o-hoa-binh.htm