Tổ công tác Bộ Y tế giám sát các điểm nóng tại Long An
Trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, Tổ công tác của Bộ Y tế tại Long An đã tập trung giám sát tại một số 'điểm nóng' của Long An về truy vết ca bệnh COVID-19, hoạt động điều phối mẫu xét nghiệm, hoạt động giám sát phòng chống dịch COVID -19 tại cộng đồng, trong các khu, cụm công nghiệp.
Cụ thể, trong những ngày vừa qua, Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y đã thị sát tình hình tại huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và một số cơ sở khác trên địa bàn tỉnh Long An. Qua giám sát và làm việc với địa phương và các cơ sở y tế cho thấy, các huyện đã thành lập các tổ truy vết cộng đồng, tuy nhiên chỉ có đội điều tra của Trung tâm Y tế (TTYT) tham gia xử lý dịch, chưa có sự tham gia quyết liệt của các ban, ngành tại địa phương.
Công tác giám sát, đánh giá an toàn tại các khu, cụm công nghiệp do Ban quản lý khu kinh tế của Sở Lao động thực hiện. Địa phương còn nhiều khó khăn trong giám sát dịch bệnh tại các khu, cụm công nghiệp do chưa tiếp cận được. Cá biệt, một số công ty không phối hợp trong điều tra xử lý dịch, không báo cáo cho TTYT huyện khi công ty có ca bệnh F0, F1.
Trước tình hình trên, Tổ công tác của Bộ Y tế đã đề nghị Ban quản lý khu kinh tế, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công Thương đốc thúc các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện Quyết định 2194/QĐ-BCĐ, giảm tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không tuân thủ quy định phòng chống dịch. Huy động sự tham gia của các ban, ngành trong chống dịch. Chống dịch tại Khu công nghiệp phải có văn bản chỉ đạo, phối hợp các ban ngành từ tỉnh đến địa phương.
Ngoài ra, Tổ công tác cũng triển khai đào tạo, nâng cao năng lực y tế tại địa phương, chuẩn bị lực lượng với 20 bác sĩ và 80 điều dưỡng có chuyên môn điều trị bệnh nhân nặng (hồi sức tích cực, cấp cứu, truyền nhiễm, hô hấp). Trong trường hợp các ca mắc mới đạt mức 500 ca, số bệnh nặng tiếp tục tăng (tiến tới mốc 40-50 ca bệnh nặng), vượt quá khả năng đáp ứng nhân lực điều trị của địa phương sẽ trình Bộ Y tế điều động thêm nhân lực chi viện cho tỉnh Long An. Dự kiến cần chi viện thêm 15 bác sĩ và 60 điều dưỡng phối hợp với y tế địa phương phục vụ cho việc điều trị.
Làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, Tổ công tác của Bộ Y tế đã nắm bắt thông tin và kịp thời có các hỗ trợ cho bệnh viện. Tổ công tác đã đề xuất bệnh viện tiếp tục thực hiện xét nghiệm test nhanh cho toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ và người lao động trong bệnh viện khi có biểu hiện triệu chứng đường hô hấp, bám sát phân luồng, giãn cách tất các đối tượng trong bệnh viện. Tổ công tác cũng đề xuất với Bệnh viện Đa khoa Long An tiếp tục lên phương án giải phóng F1 đưa về khu cách ly y tế tập trung và F2 đưa về nơi lưu trú để cách ly tại nhà nhằm giảm bớt số lượng người tại Bệnh viện, giúp dễ dàng hơn trong việc thực hiện kiểm soát phòng, chống dịch, sớm đưa Bệnh viện trở lại hoạt động.
Đối với công tác lấy mẫu xét nghiệm, Tổ công tác đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Long An hỗ trợ thiết lập, hệ thống lại việc điều phối mẫu xét nghiệm PCR tại Trung tâm CDC Long An, kết nối điều phối mẫu về phòng xét nghiệm CDC Long An, Viện Pasteur thành phố HCM. Hướng dẫn lại cách bố trí phòng xét nghiệm CDC phù hợp điều kiện địa phương đáp ứng trong thời gian số lượng mẫu tăng cao, đồng thời hệ thống lại quy trình xét nghiệm các khâu cho phòng xét nghiệm PCR. Bổ sung ngay nhân sự thực hiện xét nghiệm để nâng công suất lên 360 mẫu/ngày, lấy mẫu test nhanh trả kết quả ngay tại chỗ xét nghiệm và trong vòng 8 tiếng đối với xét nghiệm PCR.
Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch tại một số cơ sở và địa phương mà Tổ công tác đã làm việc, TS Hoàng Quốc Cường - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đánh giá cao tinh thần chống dịch của địa phương, đồng thời đề nghị các huyện cần tập huấn nghiệp vụ các tổ truy vết để phát huy hiệu quả tốt hơn; quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, nhất là kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện từ địa phương khác vào địa phận tỉnh Long An, tập trung test sàng lọc các đối tượng nguy cơ cao để chủ động phát hiện, xử lý ca bệnh, hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Trong thời gian tới, các địa phương cần hướng đến việc lấy mẫu gộp hộ gia đình và phân chia thời gian lấy mẫu hợp lý, bảo đảm quy định trong phòng, chống dịch. Bênh cạnh đó, cần nghiên cứu việc cách ly tại nhà, phân vùng nguy cơ để thực hiện sàng lọc cộng đồng. Bảo đảm sàng lọc cho y, bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người thân. Riêng khu công nghiệp, huyện phối hợp Ban quản lý các khu công nghiệp rà soát, phát hiện sớm các ca nhiễm, tiếp tục tăng cường tuyên truyền thực hiện đúng 5K.