'Tổ công tác đặc biệt' hỗ trợ doanh nghiệp
Lãnh đạo nhiều địa phương ở ĐBSCL đã và đang áp dụng nhiều mô hình, cách làm hay giúp doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn khó khăn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, năm 2022, mặc dù chịu nhiều tác động của những yếu tố bất lợi nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của địa phương vẫn đạt 1,08 tỉ USD. Tuy nhiên, trong quý I/2023, kim ngạch và giá xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn đều giảm, nhiều sản phẩm xuất khẩu của tỉnh bất ngờ giảm khả năng cạnh tranh với các đối thủ như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia.
Giải quyết dứt điểm vướng mắc
Đứng trước những khó khăn đó, mới đây UBND tỉnh Cà Mau đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và dự án đầu tư trên địa bàn (gọi tắt Tổ công tác). Tổ công tác trên do ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, làm tổ trưởng; các phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ phó và tổ viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Ông Lê Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Giang Châu (trụ sở tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết không chỉ riêng công ty của ông mà nhiều DN khác cũng rất phấn khởi khi hay tin Cà Mau thành lập Tổ công tác đặc biệt để chia sẻ, hỗ trợ DN. "Thời gian gần đây, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty là tôm thẻ chân trắng sang thị trường châu Âu gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan và chủ quan. Hiện nay, nhiều DN đang gặp khó trong vấn đề hồ sơ, thủ tục thực hiện phòng cháy chữa cháy, môi trường và đất đai do luật thay đổi liên tục nên không nắm bắt kịp; nguồn vốn vay phục vụ hoạt động kinh doanh từ ngân hàng còn hạn chế…" - ông Châu nói.
Không chỉ riêng DN mà đông đảo người dân vùng cực Nam của Tổ quốc cũng kỳ vọng Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Cà Mau khi đi vào hoạt động sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển cũng như thu hút những nhà đầu tư có tiềm năng đến đầu tư... để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, hướng đến mục tiêu đưa Cà Mau trở thành tỉnh công nghiệp trong tương lai.
Lan tỏa chủ trương đồng hành
Trong khi Cà Mau thành lập Tổ Công tác đặc biệt, nhiều địa phương khác ở khu vực ĐBSCL bắt đầu áp dụng mô hình "Cà phê DN" tại địa phương nhằm lắng nghe và nhanh chóng gỡ khó cho DN. Tại tỉnh Sóc Trăng, mô hình này vừa diễn ra buổi đầu tiên vào sáng 6-5. Theo đó, từ 6 giờ 30 phút tại nhà ăn của Văn phòng UBND tỉnh, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cùng 3 phó chủ tịch và nhiều lãnh đạo sở, ngành đã gặp gỡ, ăn sáng với hàng chục DN trên địa bàn.
Ông Lâu cho biết mô hình "Cà phê DN" sẽ được tổ chức định kỳ vào sáng thứ bảy của tuần đầu hằng tháng. "Tại đây, DN thoải mái phản ánh, kiến nghị những vướng mắc đang gặp trong sản xuất, kinh doanh. DN cũng có thể đề xuất, hiến kế những cái hay, mô hình hiệu quả. Qua đó giúp tỉnh nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ để kinh tế địa phương phát triển" - ông Lâu cho biết.
Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, cho rằng đây là cách làm sáng tạo nhằm góp phần lan tỏa chủ trương đồng hành với DN từ lãnh đạo địa phương. "DN rất mừng. Tôi hy vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Từ những buổi gặp gỡ thân mật như vậy, cầu nối giữa chính quyền và DN, người dân trở nên gần hơn. Hy vọng những tâm tư của DN tiếp tục được lắng nghe, tạo môi trường tốt cho nhà đầu tư tìm đến Sóc Trăng" - ông Trần Khắc Tâm bày tỏ.
Nhiều DN ở Sóc Trăng cho biết lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến hoạt động của DN. Không chỉ thành lập tổ giải quyết khó khăn, Sóc Trăng thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN. "Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã 3 lần gặp gỡ DN, một việc làm chưa từng có ở Sóc Trăng. Gần đây, tôi thấy lãnh đạo một số sở, ngành và địa phương có biểu hiện "nhát tay", "đá bóng qua lại", chủ tịch tỉnh liền chỉ đạo khắc phục, yêu cầu không được sợ sai, né tránh trách nhiệm" - lãnh đạo một DN cho biết.
Nhờ quan tâm đến cộng đồng DN và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nên môi trường đầu tư của tỉnh Sóc Trăng gần đây đã được cải thiện đáng kể. Trước đây, nhiều năm liền tỉnh Sóc Trăng ở nhóm cuối bảng nhưng năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 20 bậc so năm 2021, từ 54 lên 34. Còn chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Sóc Trăng đứng thứ 24 cả nước và thứ 3 vùng ĐBSCL.
Mô hình không mới nhưng hiệu quả
Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL thực hiện mô hình "Quán cà phê doanh nhân - DN" từ năm 2016 tại khuôn viên UBND tỉnh. Tác giả của mô hình này là ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp lúc bấy giờ. Hoạt động này đến nay được duy trì mỗi ngày, từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút. Các lãnh đạo tỉnh ngồi ở "quán cà phê" trong khuôn viên UBND tỉnh để gặp gỡ đầu ngày với DN, doanh nhân trước khi vào công việc chuyên môn. Qua đó, khắc phục tình trạng phải trải qua những khâu thủ tục hành chính có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng như trước đây.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/to-cong-tac-dac-biet-ho-tro-doanh-nghiep-20230508223302974.htm